image bannerimage banner
Lần đầu vào Khâu Vai
Cỡ chữ Tương phản

         Vào năm 1993, trước khi diễn ra chợ Khâu Vai mấy ngày, đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy, Trịnh Lê Văn, Quốc Khánh ở hãng phim hoạt hình Việt Nam kéo một đoàn lên. Anh Thủy đưa tôi xem kịch bản phim về phiên chợ tình, tôi đọc một mạch ý tưởng độc đáo về nét văn hóa ở vùng quê núi heo hút. Là người công tác lâu năm ở Hà Giang, tôi thật sự ngạc nhiên trước những phát hiện mới về bản sắc văn hóa dân tộc các anh đề cập. Nhưng tôi cũng băn khoăn một số trường đoạn liệu có thực hiện được không, như: Dựng những túp lều bằng cây ngô quanh chợ, ven suối, bên rừng, trước những hang đá,... để tạo vẻ nguyên sơ; không có diễn viên quần chúng, tìm người giúp đỡ, giao tiếp với nhân chứng... Gọi là một ngày nhưng khi chợ tan cảm giác thời gian trôi đi rất nhanh. Tôi biết các anh có kinh phí có hạn, nhưng cả đoàn đều hứng khởi, quyết tâm cao.

         Chúng tôi ngược Cao nguyên. Núi non, sông, suối cứ mở ra những trường đoạn phim hoành tráng, cuốn hút,... Khi đứng trên cổng trời Cán Tỷ nhìn dòng sống Tráng Kìm thăm thẳm, mảnh mai như dải lụa, các anh trong đoàn đều thốt lên: Hùng vĩ quá, hiểm trở quá! Tôi nói với các anh: Đây mới là cửa ngõ Cao nguyên phía Bắc, rồi các anh sẽ còn ngạc nhiên nữa.

         Sáng 26 tháng 3 âm lịch, chúng tôi lên đường vào Khâu Vai, được UBND huyện Mèo Vạc giúp đỡ nhiệt tình và còn cho mượn xe U-Oát, máy phát điện, cử cán bộ của phòng Văn hóa đi cùng. Thời kì này Khâu Vai chưa có đường ô tô. Các anh thuê người địa phương, ngựa thồ, máy móc, dụng cụ phục vụ làm phim. Như vậy, sự chuẩn bị khá chu đáo. Xế chiều cả đoàn người, ngựa vào đến Khâu Vai. Những nương đá bạt ngàn, con đường mòn len lỏi giữa trùng trùng đá sắc. Núi Séo Sán Tỷ trước mặt, vách đá trắng bạc lạnh lẽo dưới ánh nắng mặt trời, hoa Kim ngân vàng rộ mơ màng. Chúng tôi thận trọng xuống từng bậc dốc, len lỏi giữa cánh rừng nguyên sinh vào trụ sở UBND xã Khâu Vai.

         Mặc dù sớm mai chợ mới họp, nhưng người ở các nơi tụ về đã đông, nghỉ đêm nhờ nhà bà con, đông nhất là thanh niên nam nữ. Trụ sở UBND náo nhiệt hẳn lên trong ánh điện. Phải nói thật, đây là lần đầu Khâu Vai thấy sự lạ này. Trẻ em, thanh niên, người già kéo đến tò mò nhìn các thành viên trong đoàn, đồng bào có cơ hội nhìn tận mắt điện sáng thay trăng...

         Thời gian không đủ một ngày giãi bày tâm sự. Khi hoàng hôn buông, họ trở về với nghĩa vụ của người vợ, người chồng và sự mong đợi của gia đình.

         Họ tiễn nhau thêm một quãng đường, rưng rưng nước mắt, vừa đi vừa hát lời chia ly và hò hẹn. Nhưng ai biết sang năm họ có được gặp lại nhau nữa không? Cũng có thể trong số ấy, có người không trở lại Khâu Vai nữa. Nhưng dù chỉ một lần đi chợ Khâu Vai, ai cũng có kỉ niệm dịu ngọt về một tình yêu dịu ngọt!

Bút ký: Cao Xuân Thái

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 122
  • Trong tuần: 5 561
  • Tất cả: 722128

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay