image bannerimage banner
Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu

         Manh nha từ những năm cuối của thế kỷ 20, những công viên địa chất đầu tiên trên thế giới đã được thành lập ở Châu Âu và hình thành nên Mạng lưới Công viên địa chất Châu Âu (European Geoparks Network) vào năm 2001.

         Năm 2004, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNESCO) đã bảo trợ cho việc hình thành Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network, GGN). Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN), là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2004, là một mạng lưới hỗ trợ của UNESCO phục vụ quản lý trong Ủy ban Khoa học Trái Đất và Sinh thái.

anh tin bai

Logo Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu

       GGN là một mạng lưới năng động, nơi các thành viên cam kết làm việc cùng nhau, trao đổi ý kiến về phương pháp tốt nhất và tham gia vào các dự án chung nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của tất cả các sản phẩm và thực tiễn của Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. GGN tìm cách nâng cao và bảo tồn các di sản địa chất của hành tinh, cũng như khuyến khích các nghiên cứu bền vững và phát triển bởi các cộng đồng liên quan.

         Hàng năm, Mạng lưới này xem xét, thẩm định hồ sơ và công nhận các thành viên mới. Đến tháng 2024, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đã có 213 Công viên địa chất thành viên thuộc 48 quốc gia, vùng lãnh thổ.

         Ngày 17/11/2015, phiên họp toàn thể của Đại hội đồng UNESCO đã phê duyệt Chương trình Khoa học Địa chất và Công viên địa chất Quốc tế (IGGP), qua đó, chính thức thông qua danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO”.

         Vậy Công viên địa chất được hiểu như thế nào?

         Khác với hình dung của rất nhiều người khi định nghĩa về Công viên địa chất, đây không phải là mô hình công viên vui chơi, giải trí đơn thuần với diện tích nhỏ như một số công viên phổ biến tại một số thành phố lớn của Việt Nam… mà là một khu vực có ranh giới địa lý – hành chính rõ ràng và đủ lớn (thông thường diện tích lên đến hàng ngàn km2) để hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế và văn hóa ở địa phương (chủ yếu dưới hình thức phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch địa chất).

         Ngoài yêu cầu về ranh giới và diện tích, Công viên địa chất (CVĐC) còn là nơi lưu giữ một số di sản địa chất quan trọng tầm cỡ quốc gia/quốc tế hoặc tập hợp các thực thể địa chất đặc biệt về mặt khoa học, vẻ đẹp hoặc độ hiếm gặp, đại diện cho lịch sử kiến tạo địa chất hình thành nên khu vực đó. Bên cạnh các giá trị địa chất – địa mạo, trong phạm vi công viên địa chất còn phải có các giá trị khác về cảnh quan, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kinh tế…

         Tùy thuộc vào nhiều yếu tố, một CVĐC có thể được công nhận ở 3 cấp độ là: cấp địa phương (như ở Việt Nam là cấp tỉnh), cấp quốc gia và quốc tế. Khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và tiêu chí của UNESCO thì sẽ được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

         Các Công viên địa chất toàn cầu hướng tới 3 mục tiêu:

         - Bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, trong đó các di sản địa chất đóng vai trò chủ đạo;

        - Nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và giá trị của các khoa học Trái Đất, khuyến khích học tập và nghiên cứu địa chất và giáo dục lòng yêu thiên nhiên và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và khai thác bền vững các di sản địa chất, góp phần vào chiến lược nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương và đất nước;

         - Thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, kết hợp với bảo tồn như tham quan, du lịch (du lịch sinh thái, du lịch địa chất) và các hoạt động kinh tế phụ trợ khác, tạo nguồn thu nhập bổ sung cho các cộng đồng địa phương.

         Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ được tái thẩm định sau mỗi 4 năm. Do đó, để giữ vững được danh hiệu cao quý này, đòi hỏi chính quyền các cấp, cộng đồng và doanh nghiệp địa phương cần đạt được sự đồng thuận trong việc thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững, xét trên góc độ bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm an sinh xã hội… đối với các hoạt động phát triển kinh tế.

         Các Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực

         Căn cứ Điều 18, Quy chế hoạt động và Chương trình Công viên địa chất và Khoa học địa chất quốc tế của UNESCO (UNESCO-IGGP), Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thành lập các Mạng lưới công viên địa chất khu vực thành viên, bao gồm:

         - Mạng lưới Công viên địa chất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APGN)

         - Mạng lưới Công viên địa chất khu vực Châu Âu (EGN)

         - Mạng lưới Công viên địa chất khu vực Châu Mỹ Latin và vùng Ca-ri-bê (LACGN)

         - Mạng lưới Công viên địa chất khu vực Châu Phi (AGN)

         Vai trò chính của các mạng lưới thành viên là điều phối các hoạt động của Mạng lưới CVĐCTC tại các khu vực của UNESCO, là diễn đàn để trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác với các Công viên địa chất toàn cầu và các chuyên gia Công viên địa chất toàn cầu trong khu vực; hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững trong các khu vực công viên địa chất.

         Thông tin chi tiết về Mạng lưới Công viên địa chất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APGN): Http://Asiapacificgeoparks.Org/

         Thông tin chi tiết về Mạng lưới Công viên địa chất khu vực Châu Âu (EGN): Http://Www.Europeangeoparks.Org/

         Thông tin chi tiết về Mạng lưới Công viên địa chất khu vực Châu Mỹ Latin và vùng Ca-ri-bê (LACGN): Http://Www.Redgeolac.Org/

          Thông tin chi tiết về Mạng lưới Công viên địa chất khu vực Châu Phi (AGN): African Geoparks Network

anh tin bai

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 269
  • Trong tuần: 6 488
  • Tất cả: 921279

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay