Lịch sử cư trú của người Nùng ở Hà Giang
22/05/2025
Theo kết quả nghiên cứu đã được công bố, người Nùng cùng với các nhóm dân tộc nói tiếng Tày - Thái cổ nằm trong khối Bách Việt, nên rất có thể, họ là một trong những bộ phận cư dân đã góp phần thành lập nên nước Âu Lạc của thủ lĩnh Thục Phán An Dương Vương. Tuy nhiên, qua các gia phả, sách cúng hiện còn được lưu giữ cho thấy, hầu hết người Nùng mới chỉ di cư vào Việt Nam khoảng trên 300 năm nay, mà bằng chứng là đặc điểm phân bố của họ chủ yếu là trong các thung lũng nhỏ hẹp, không đủ điều kiện làm ruộng nước, làm nương thổ canh là chính.
Đại bộ phận người Nùng ở Việt Nam nói chung, các nhóm Nùng ở Hà Giang nói riêng, đều có nguồn gốc từ Quảng Tây (Trung Quốc). Họ di cư sang Việt Nam theo từng nhóm, vào từng thời điểm khác nhau, chia làm nhiều đợt. Nguyên nhân di cư của họ chủ yếu là do bị áp bức bóc lột nặng nề, bị chèn ép và nhất là bị đàn áp đẫm máu sau các cuộc khởi nghĩa không thành công. Loạn giặc cướp bóc cùng với nạn thiếu rượng đất cũng đẩy họ đi tìm nơi sinh cư lập nghiệp mới. Riêng ở Hà Giang, có thể chỉ những nhóm Nùng cư trú tại các xã giáp biên của huyện Yên Minh, Xín Mần, Hoàng Su Phì hiện nay là di cư trực tiếp từ Quảng Tây sang, còn các bộ phận Nùng hiện phân bố tại các huyện khác trong tỉnh có thể đã trải qua quá trình di cư từ các tỉnh khác đến như nhóm Nùng An ở Linh Hồ, Vị Xuyên và các xã của huyện Bắc Quang chủ yếu chuyển cư từ Bảo Lạc (Cao Bằng) sang, từ Tuyên Quang đến…

Dân tộc Nùng đã hình thành từ lâu, gồm nhiều nhóm địa phương với những tên gọi khác nhau, những khác biệt về ngôn ngữ, về văn hoá vật chất cũng như văn hoá tinh thần. Mặc dù đều tự nhận là Nùng cả, nhưng giữa các nhóm không phải đều hoàn toàn thông hiểu nhau. Tuy nhiên, điểm thống nhất giữa các nhóm là cơ bản, chủ yếu; còn những nét khác biệt chỉ có tính chất địa phương, do địa bàn cư trú khác nhau dẫn tới sự giao lưu ảnh hưởng văn hoá với các dân tộc khác trong vùng cũng khác nhau. Những nét khác biệt có tỉnh địa phương này càng làm cho cái chung thêm phong phú, đa dạng. Trong hoàn cảnh và điều kiện hiện nay, sự cố kết giữa các nhóm Nùng ngày càng tăng, các tên gọi theo nhóm địa phương đang dần biến mất, chỉ còn lại một tộc danh chung là Nùng, thống nhất. Bên cạnh đó, các quan hệ vốn tương đồng với người Tày ngày càng làm cho hai dân tộc này xích lại gần nhau hơn.