Trong các nghề thủ công truyền thống, nghề dệt đóng vai trò quan trọng hàng đầu là nghề phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày của người Giáy. Trong các sản phẩm dệt, một số sản phẩm được làm từ thổ cẩm như mặt phà, gối, túi, khăn, khố,… đạt tới trình độ kỹ thuật và nghệ thuật khá cao, nhất là trong bố cục và tạo dáng hoa văn. Có thể thấy các sản phẩm dệt của dân tộc Giáy phong phú về kiểu loại, đa dạng về màu sắc, vừa sinh động, vừa mang bản sắc tộc người rõ nét, lại vừa thể hiện sự giao lưu văn hoá mạnh mẽ trong đời sống tộc người.

Trang phục truyền thống của nam nữ đồng bào dân tộc Giáy
Trước đây, việc may mặc quần áo, trang phục của người Giáy đều do người phụ nữ trong nhà tự dệt. Họ tự trồng bông, dệt vải. Ngày này, họ mua sợi chỉ màu có sẵn ở chợ về dệt vải, may quần áo. Ở xã Nậm Ban vẫn duy trì được nghề dệt bằng khung dệt thủ công. Phong trào dệt vải cài hoa của các bà, các chị em phụ nữ vẫn đang phát huy.
“Nghề dệt hiện vẫn duy trì. Ở thôn Nà Poòng, Bắc Làng… đang khôi phục lại, UBND tuyên truyền đến các thôn, khôi phục lại nghề dệt, mai sau mặc quần áo mua của Trung Quốc hết. Có giữ khung dệt truyền thống, có các bà, các cô biết dệt. Không cho trồng nương rẫy nên không trồng được bông, nếu bông trồng ở ruộng đất bằng thì không đẹp, khí hậu không hợp nên họ mới bỏ đi. Họ mua chỉ sợi bên ngoài về dệt. Ở nhà dưới đây đang dệt vải, vải để may quần áo người Giáy. Dệt phải đủ 3,4 loại chỉ màu như: màu đỏ, trắng, vàng. Dệt chưa có màu đen, phải nhuộn đen”.
Để dệt vải thủ công, người Giáy phải biết kỹ thuật căng sợi dọc. Cần có 4,5 người làm mất một ngày. Sợi dọc để cài vào tấm lưới chia sợi rồi mắc vào khung lưới dệt, bàn đạp thủ công. Còn hoa văn thì lúc dệt sẽ phải chú ý để cài từng sợi ngang vào. Bà Vàng Thị Vá sinh năm 1976, đã biết dệt từ khi 12, 13 tuổi, dệt được nhiều loại hoa văn khác nhau. Có 5 loại hoa văn nhiều độ khó khác nhau mà bà vẫn làm được. Nhiều loại hoa văn khó hơn cả ca rô. Loại này đã nhuộm sợi chỉ rồi, nên dệt sợi trắng, đen cách nhau ra là được.
Để dệt hoa văn khác nhau trong lúc dệt người thợ sẽ có cách riêng, kéo sợi nhỏ hơn hoặc to hơn. Muốn hoa văn gì thì đặt sợi dọc theo quy luật rồi, dệt sợi ngang thì theo quy luật của từng loại hoa văn. Dệt theo màu sắc caro, có bốn ô vương ngang dọc khác nhau thì dễ hơn các hoạ tiết khác.
“… Khi dệt thì làm từ từ, dệt từng sợi để ra hình con vật. Để hiểu cái này, thì phải nhìn được cái bàn dệt của nghệ nhân. Lúc đấy mới hình dung ra để dệt hoạ tiết này”.
Ngày trước, phụ nữ Giáy đa số biết dệt vải. Hiện nay, nhiều gia đình người Giáy vẫn duy trì được khung dệt trong gia đình, để dệt vải, may trang phục cho các thành viên. Khổ vải thường dệt có chiều ngang chỉ 40cm. Tuỳ theo sản phẩm cần may như áo, khăn, quần mà dệt chiều dài từng loại cho phù hợp. Trước đây, người Giáy trồng bông dệt vải, từ quả bông sẽ làm các cúi bông, làm thành cuộn to, rồi tạo thành sợi vải, dệt thành tấm vải. Người Giáy dệt được nhiều loại vải, kết hợp với kỹ thuật nhuộm chàm tạo ra các loại trang phục khác nhau, như khăn đen này mình dệt ra tấm vải, rồi nhuộm thành màu đen, cắt thành tấm khăn. Nam thì khăn đen, nữ khăn có dệt hoa văn.
Khung dệt (sông rộc): gồm 8 bộ phận: 1/Cộp phưa: khung lưới dệt tách sợi chỉ; 2/Pi lắng: Lưới dệt trên (chân phải đạp); Pi nả: Lưới dệt dưới (chân trái đạp); 3/Chiu tín: bàn đạp; 4/ Bút bù: thanh tre tách sợi dọc; Nà rộc: Thanh cuốn, nhả sợi dệt dọc; 5/Pàn Păng: thanh cuốn vải dệt; 6/Ăn tàu: Thoi dệt; Lút: cái cuốn chỉ, dệt ngang; Lút phá: là cái chỉ dọc; Lút tàu: cái chỉ ngang; 7/Soả lút: thu sợi/se sợi; 8/ Coóng quánh: Guồng quay chỉ, sợi. Ngoài ra, còn có: păng là tấm vải, pển năng: ghế băng ngồi dệt; bục tàu: để đựng con thoi. Mỗi gia đình đều coi khung dệt như một tài sản lớ, nên họ rất coi trọng và có treo bùa chú lên mỗi dịp Tết. Tấm bùa treo vào ngày tết, năm hết tết đến để cầu cho cái khung không bị lỏng lẻo, dệt vải sẽ chắc chắn hơn. Khung dệt dùng được cả đời người mới hỏng.
Hiện nay, người Giáy vẫn giữ kỹ thuật nhuộm chàm tự nhiên. Dùng cây chàm để cô đặc thành màu nhuộm đen tự nhiên. Nếu gia đình dùng không hết, có thể mang chàm đi bán lại cho người có nhu cầu.
Bên cạnh nghề dệt là nghề làm gốm, dù ít phổ biến hơn, nhưng người Giáy có truyền thống và kinh nghiệm trong sản xuất gốm với một số sản phẩm như chum, ngói, ấm,… phục vụ những nhu cầu trong cuộc sống. Tuy nhiên với trình độ kỹ thuật chưa cao, nghề gốm cổ truyền ở người Giáy mới chỉ là nghề phụ trong gia đình, chưa được chuyên môn hoá cao, trình độ sản xuất thấp, công cụ thô sơ giản đơn, chất lượng sản phẩm hạn chế trong việc tiêu dùng, chưa thể trở thành sản phẩm đem ra trao đổi trên thị trường.
Triệu Hoàng