image bannerimage banner
Lễ cưới của người Mông Hà Giang
Cỡ chữ Tương phản
Ngày lành tháng tốt, đón dâu do nhà trai quyết định. Nhất thiết phải có một đôi gà có trống có mái để thờ tổ tiên, một đôi để lại mặt, một con dao quắm thờ thần dao (làm ăn), gọi là liềm ma. Đây là nghi thức bắt buộc.  
anh tin bai

 

         Thành phần sang nhà gái gồm 13 người hoặc 11, hoặc 9 (lẻ), hai ông mối, hai vợ chồng già có nhiều phúc lộc, đôn hậu, chú rể và hai phù rể (phù rể phải cùng lứa), số người mang lễ vật (phải là con trai).

        Chuẩn bị ở nhà trai: Tuỳ theo kinh tế của mỗi nhà mà tổ chức lớn hay nhỏ, song các đám cưới người Mông thường phải môt lợn, dê, lớn hơn có mổ bò và ăn uống vài ba ngày.

         Người Mông rất kiêng trong ngày cưới có tiếng sấm, vì họ cho rằng tiếng sấm mang lại những điều không tốt lành cho hạnh phúc lứa đôi. Do vậy, các đám cưới của người Mông thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch, quá lắm mới làm ở tháng giêng để tránh các tháng có tiếng sấm.

anh tin bai

         Đến ngày cưới, nếu mọi thứ nhà trai đem sang nhà gái đều được chấp thuận thì ông mối không phải uống rượu phạt, ngược lại bị phạt bằng cách phải uống hai hoặc bốn bát rượu, uống cùng một lúc.

         Đặc biệt bộ váy áo cưới nhà gái xem xét tỉ mỉ. Đây cũng là bộ váy áo lễ phục. Người ta đem so sánh bộ váy áo của nhà trai đem sang với bộ váy áo mà cô dâu đang mặc do nhà gái mua sắm, xem có ăn khớp, vừa vặn với nhau không. Do vậy, hai bộ váy áo này thường do một người may cắt và là hai bộ váy áo sinh đôi.

         Còn tiền lễ tuỳ theo từng hoàn cảnh và thoả thuận giữa hai nhà, song dù ít cũng luôn phải có cho nhà gái và bố mẹ anh em của cô dâu. Nếu là anh, em trai lấy số tiền 3,6; 7,2 (hoặc một đôi giày); là chị, em gái lấy số tiền 1,2; 2,4 (như bây giờ 3 nghìn 6, bảy nghìn 2, hai nghìn 4).

         Nhà gái nhận xong mọi lễ vật của nhà trai. Ông mối thắp hương cùng đại diện nhà trai, nhà gái khấn vái tổ tiên nhà gái, tiếp đó chú rể cùng hai phù rể quỳ giữa nhà theo hiệu lệnh của ông mối, cúi lạy mọi thành viên trong nhà gái.

         Bàn tiệc cưới xếp cho đại diện hai họ phải là bàn vuông, trên đó bày hai bát thịt lợn, hai bát thịt gà có đủ chân, đầu, lòng, gan. Mỗi mâm tám người: 4 bên gái, 4 bên trai. Vào mâm tất cả phải đứng dậy. Chủ hôn bên gái, hai tay nắm lại đưa lên ngang ngực, ấp vào trái tim nói lời cảm ơn rồi ngồi vào ăn uống vui vẻ.

         Lễ đón dâu ở nhà gái tiến hành vào ngày hôm sau. Cô dâu được trang điểm, mặc bộ váy áo lễ phục cổ truyền ngày cưới ở trong buồng và phải khóc. Cả mẹ và anh em cô dâu cùng phải khóc. Không khóc được cũng phải khóc, dù nhỏ. Tiếng khóc của cô dâu và cả nhà là tiếng khóc vui, khóc cho hạnh phúc lứa đôi. Người Mông quan niệm rằng, có khóc như thế mới thể hiện tình cảm quyến luyến gia đình. Từ xa xưa, người ta quan niệm rằng, cho con gái đi lấy chồng là bố mẹ bán con.

         Hai vợ chồng già dẫn dâu và đón dâu, bố trí người đỡ cái hòm to có bốn chân đựng mọi đồ tư trang của cô dâu; người vợ có trách nhiệm đón tay cô dâu dẫn từ tay của người thân nhà gái trao cho. Thường là hia người, anh trai, em trai của cô dâu mỗi người cầm một tay đưa ra ngoài. Một tay khác của anh, em, trai phải cầm một khăn mùi xoa bịt mắt, lau mắt, khóc theo chị (em) gái. Anh em nhà gái giao cô dâu cho nhà trai và ông mối làm thủ tục để chú rể, phù rể lạy tạ bố mẹ, anh em nhà gái.

         Ông cậu thay mặt nhà gái dặn dò cô dâu và chú rể cùng lời cảm ơn. Khi đi cô dâu bao giờ cũng đi trước và chỉ khi nào cô dâu không khóc nữa bà đón dâu mới được buông tay cô dâu ra. Trong đoàn đón dâu nếu có ai đi trước cô dâu mà nhà gái phát hiện ở địa phận bản xóm mình, thì sẽ bị phạt vạ bằng cách cho người ra giữ lại và bắt uống hai bát rượu to. Anh em trai cô dâu ra cổng đón đoàn đưa dâu của nhà trai. Chú rể và phù rể phải cúi lạy một lần nữa rồi mới được đi, không cúi lậy sẽ bị phạt rượu và giữ lại.

anh tin bai

         Nhà gái chuẩn bị cho đoàn đón dâu nhà trai một gói cơm, một chai rượu và một con gà luộc với nguyên vẹn tim gan, lòng mề để làm thức ăn trên đường về. Họ nhà gái không cử người theo đoàn đón dâu về nhà trai, duy nhất chỉ có cô dâu. Dù nhà xa hay gần, đoàn đón dâu trên đường về cũng phải dừng lại đốt một đống lửa mở cơm rượu thịt ra ăn. Riêng người con dâu phải ăn cái đùi gà và uống một chén rượu trước tiên.

         Cách ăn mặc của cô dâu khi về nhà chồng như sau: Đầu đội khăn gồm ba loại vấn tròn thành ba lớp (nghiêm cấm không được vấn thành hình vuông); ba khăn đó thường là một khăn nhiễu, một khăn vải, một khăn len. Ba loại khăn, ba màu sắc khác nhau tạo thành lớp hoà sắc sặc sỡ, tươi mát.

         Áo bằng vải lụa hoặc vải láng ngày xưa là loại vải lanh nhuộm chàm song sợi dệt mịn, có đủ miếng đáp vuông với hoa văn trang trí cầu kỳ, tay áo có vành viền khác nhau, thêu hoa, váy được xếp li thằng, nhỏ và đều, có dạng hình nón cụt, hai miếng đáp trước sau có trang trí đường diềm xung quanh, lưng bụng cuốn ba tấm vải thắt lưng mỏng xanh, đỏ, vàng thành ba lớp liên tiếp, thắt nút ở đằng sau (không được thắt quay ra đằng trước) để dài, buông rủ xuống ngang gấu váy. Cổ và tay đeo vòng bạc, chân đi giày vải, mặc tất và quấn xà cạp.

         Đoàn đón dâu về đến nhà, phải đứng ngoài cửa chờ chủ nhà bắt một con gà trống đem về và cầm chân con gà quay trên đầu cô dâu ba vòng rồi thả con gà ra. Con dâu lúc này được nhập hồn về với nhà chồng. Cùng lúc này mẹ chồng hoặc bà thím, em chồng ra dắt tay cô dâu đưa vào buồng. Cô dâu trong ba ngày đầu không được ra ngoài, không được làm việc gì, ăn cơm uống nước đều ở trong buồng.

         Sau khi cô dâu đến nhà chồng, công việc còn lại là: ông Mềnh dinh trình báo lại với nhà trai việc đi giao đồ lễ và khó khăn, thuận lợi ra sao. Đôi vợ chồng đón dâu truyền đạt lời dặn dò của nhà gái đối với nhà trai về mặt mạnh, mặt yếu của cô dâu để nhà trai quan tâm giúp đỡ. Con rể và phù rể ra mắt lay tổ tiên và cảm ơn bà con họ hàng, thân thuộc đã giúp đỡ cho đám cưới hoàn tất. Cuối cùng là ăn uống vui vẻ, ca hát mừng đôi tân hôn. Cuộc vui thường kéo dài thâu đêm, đến sáng hôm sau mới kết thúc.

         Hiện nay tục nàng dâu (nếu chồng chết) lấy em chồng vẫn còn hãn hữu ở một vài nơi, song tập tục này đang bị đẩy lùi dần. Xưa kia, nếu nàng dâu không chấp nhận lấy em chồng thì họ nhà trai (chồng) bắt đền mọi của cải vật chất, vật phẩm dùng cho hôn lễ trước kia, khi đi lấy người khác. Trong hôn nhân, người Mông cho phép con trai cậu lấy con gái cô. Cô đi lấy chồng, khi chết đi là ma của dòng họ khác; con cô mang họ khác dòng máu với họ của cậu, nên lấy được nhau. Ngày xưa tục con cậu con cô lấy nhau là phỏ biến, hiện nay đã giảm đi nhiều. Một tục nữa, bây giờ ít có, là tục kéo vợ. Tục này thường xảy ra trong hai trường hợp chính: Thứ nhất, con trai con gái yêu nhau song cha mẹ bên gái không nhất trí. Con trai hẹn với con gái mời một số bạn bè thân thích giúp đỡ kéo con gái về nhà mình, sau đó đi báo với nhà gái để cưới xin. Thứ hai, một số người có chức có quyền hoặc giàu có nhưng nhân cách tồi tệ, lợi dụng tập tục này để làm bậy. Trường hợp này thường xảy ra xung đột, dù có thành vợ thành chồng cũng ít đôi có hạnh phúc.

 

 

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 186
  • Trong tuần: 3 914
  • Tất cả: 1144120

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay