image bannerimage banner
Tục cưới xin của người Lô Lô
Cỡ chữ Tương phản
Xưa kia nam nữ Lô Lô ít được tự do tìm hiểu, việc xây dựng gia đình thường là do cha mẹ sắp đặt, tuổi kết hôn của họ cũng rất sớm, khoảng 13 -14 tuổi. Nhiều khi việc dạm hỏi còn bắt đầu sớm hơn nữa và hôn nhân con cô, con cậu trở thành khá phổ biến. Ông cậu mới sinh con gái, bà cô đến thăm mang cho vuông vải để mừng cô cháu gái mới ra đời và cũng là “miếng trầu bỏ ngỏ”, nếu gia đình cháu gái đồng ý, thì đánh dấu từ đó cô cháu gái bé bỏng sẽ trở thành nàng dâu tương lai của bà cô. Con trai cô lấy con gái cậu thì đồ thách cưới được giảm nhiều so với lấy vợ là người ngoài.  
anh tin bai

         Ngày nay, nam nữ Lô Lô được tự do tìm hiểu, nếu ưng nhau thì về thưa chuyện với cha mẹ và gia đình tạo điều kiện giúp đỡ. Theo tập quán cổ truyền thì nhà trai phải nhờ 4 người mối - 2 nam, 2 nữ và tốt nhất là được hai cặp vợ chồng song toàn. Chọn ngày tốt, 4 người làm mối này mang 2 chai rượu đó cùng uống chung vui và bàn định ngày cưới. Người già Lô Lô giải thích, con người có tứ chi vậy khi đi hỏi một cô gái về làm vợ cũng phải ứng với 4 người đến hỏi và ngày dạm hỏi phải là ngảy chẵn để đôi vợ chồng tương lai luôn sống có đôi không lẻ loi. Ở người Lô Lô, nhà gái thường thách cưới bằng: gạo nếp, gạo tẻ, thịt lợn, rượu,… để làm tiệc cưới: váy, áo, vòng tay, vòng cổ cho cô dâu và xưa kia còn thách cưới cả bằng bạc trắng để làm của hồi môn cho con gái về nhà chồng. Phong tục truyền thống của người Lô Lô chỉ ông cậu mới được quyền thách cưới, có thể đây là một tàn dư của chế độ mẫu quyền còn sót lại.

         Ngày cưới được lựa chọn kỹ với hy vọng mang lại hạnh phúc suốt đời cho đôi vợ chồng trẻ. Nhà trai mang lễ vật đến giao cho ông cậu nhà gái và ông giao lại lễ vật đó cho chủ nhà. Nhà gái làm cổ cúng trình tổ tiên và mời bà con họ hàng đến ăn uống chung vui. Những người được mời đến ăn cỗ thường mừng lại cô dâu khăn, áo, tiền bạc và các loại đồ dùng khác. Thường thì nhà trai dẫn lễ cưới đến nhà gái vào ngày lẻ hôm trước để đến ngày hôm sau dẫn dâu về nhà trai là ngày chẵn, với mong ước đôi trẻ sẽ mãi mãi không lẻ loi nhau. Để dâng lễ cưới nhà trai có 4 người: 2 nữ 2 nam hát đưa lễ và nhà gái cũng cử 4 người: 2 nữ 2 nam hát đón khách - nhận lễ với lời ca đón rể, đón dâu, mừng hai họ… hết sức thân mật. Và tối hôm đó nhà gái tổ chức hát thâu đêm suốt sáng chúc phúc cho cô dâu chú rể.

anh tin bai

         Sáng hôm sau ăn cơm uống nước xong chú rể cùng phù rể vào bái lạy tổ tiên, lễ sống bố mẹ vợ và ông cậu - những người nuôi dạy vợ mình, đồng thời vái lạy những người đã đến dự. Đó cũng là nghi lễ xin phép đưa cô dâu về nhà mình. Ông cậu (ở người Lô Lô Hoa, còn người Lô Lô Đen là chị dâu) dắt cháu gái từ trong buồng ra trao cho nhà trai, cả gia đình nhà gái đều khóc thể hiện sự lưu luyến với người con gái phải đi lấy chồng sang làm dâu con nhà khác. Và cô dâu còn khóc to hơn lưu luyến không muốn rời xa gia đình bố mẹ đẻ. Nhà gái nhà trai, mỗi bên có một cô phù dâu dắt tay cô dâu đi ra. Dẫn đầu đoàn đưa dâu là 4 người làm mối và đi sau cô dâu và phù dâu là họ hàng nhà trai sang đón. Đến nhà trai nghi thức đón dâu cũng như đón rể ở nhà gái: 4 người làm mối phải uống rượu và hát trước khi dẫn cô dâu vào trong nhà. Tập quán Lô Lô khi cô dâu bước chân vào nhà, bố mẹ chồng phải tạm lánh mặt đi chỗ khác, tránh giáp mặt lúc đó, sợ gặp thì át vía con dâu sau này cô dâu sẽ không khoẻ.

         Đoàn dẫn dâu vừa về nhà trai được một lúc thì đoàn ông cậu mang của hồi môn sang, gồm: lợn, gà, cái cuốc, cái chảo, con dao, hòm xiểng quần áo của cô dâu và rượu, xôi… Nhà giàu có thì mang cho cả con bò nữa. Tất cả của hồi môn đều mang theo ý nghĩa cho cháu gái - cho đôi vợ chồng trẻ làm vốn tăng gia sản xuất xây dựng cuộc sống mơi. Ông cậu giao toàn bộ số của hồi môn này cho nhà trai. Nhà trai tổ chức ăn uống linh đình và cũng tổ chức hát mừng suốt đêm chúc cho hạnh phúc của đôi trẻ sống với nhau cho đến đầu bạc răng long - đông con nhiều của. Khi tiễn ông cậu ra về, nhà trai tuỳ theo số của hồi môn ít hay nhiều của cô dâu do ông cậu đưa sang mà họ đưa lại cho ông cậu một số tiền gọi là tiền đi đường, làm quà.

         Thông thường, sau lễ cưới được 3 ngày thì cô dâu, chú rể trở lại thăm bố mẹ cô dâu. Họ có thể ở lại đó ít bữa, rồi chú rể đưa cô dâu về ở hẳn nhà mình (nhà chồng).

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 544
  • Trong tuần: 4 264
  • Tất cả: 1141703

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay