Từ rất xa xưa, người Mông cũng như các tộc người khác không giải thích được thế giới bằng tư duy khoa học. Hơn nữa, trong cuộc sống phải nương tựa vào núi rừng, hang động để tồn tại. Con người bị thiên nhiên chi phối. Trước vũ trụ bao la, và trước bao hiện tượng kỳ lạ diễn ra hàng ngày không thể hiểu được, không giải thích được. Như gió, mưa, sấm, chớp cùng các động vật khổng lồ như voi, trăn, tê giác, hoặc các động vật hung dữ như hổ, báo, sư tử… thường đe doạ mạng sống của con người. Con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên vừa đa dạng, vừa dữ dằn.
Và từ trong sâu thảm của tâm thức mách bảo họ, thế giới này thuộc về các thần linh cai quản. Mỗi vật đều là một thực thể tồn tại. Nó vừa được biểu hiện ra bằng vật thể cụ thể như cái cây, hòn đá, bến nước, con hổ, con voi,… Ngoài các phần được biểu hiện thành vật thể mà ta gán cho mỗi vật một tên gọi, mỗi vật còn có linh hồn riêng của nó, tức là cái ma của nó. Vì vậy, người Mông quan niệm mọi vật đều có chủ sở hữu, tức có thần làm chủ. Do đó, người Mông tin thờ và kính sợ tất cả các loài thần linh. Và vì thần linh vĩ đại nhất của người Mông là Trời. Trời là vị thần tối thượng chi phối toàn thể thế giới thần linh, và cả thế giới con người.
Cũng như trong buổi bình minh của lịch sử, người Việt (Kinh) tin theo thuyết “vạn vật hữu linh” nên tin thờ đủ thứ, Ví dụ vùng xung quanh Hà Nội như Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng tới nay vẫn còn vương sót lại khá nhiều di tích từ cổ xưa như chùa: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, gọi chung là Tứ Pháp. Tứ Pháp thờ các thần: Mây, Mưa, Sấm, Sét. Có nơi không gọi là Pháp Điện mà gọi theo tên nôm: Chùa Sét như ở huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương. Lại có nơi thờ thần là con ngựa cái đen, như làng Phúc Vạn, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Và rất nhiều miền núi rừng như các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái,… tại các nơi của rừng trước đây thường có đền thờ bà chúa rừng. Và các đền phủ như vậy, thường treo chức đại tự sơn son thiếp vàng, cũng có khi đắp bằng vôi vữa ngay trước cửa đền: Chữ “Sâm”. Chữ Sâm được cấu tạo từ ba chữ mộc. Mộc có nghĩa là cây. Ba chữ Mộc là tam mộc sâm lâm. Vậy là người Việt cổ cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ của tư duy đa thần, hay còn gọi là “vạn vật hữu linh”.

Trong khi các dân tộc ở đồng bằng vươn tới các tín ngưỡng bậc cao, tức là tôn giáo thì đồng bào các dân tộc miền núi nói chung, người Mông nói riêng vẫn cứ tin theo đa thần giáo, chứ chưa hướng tới một tôn giáo nào.
Hãy trở lại vấn đề tín ngướng của người Mông.
Vậy hệ thống thần linh của người Mông phân theo thứ bậc nào?
Như đã nói ở trên, người Mông cho rằng vị thần tối linh và quyền năng nhất trong thế giới thần linh, chính là Trời. Cũng như các dân tộc khác, coi Trời hoặc Thượng đế tức Vua Trời, là đấng toàn năng ngự trị và chi phối cõi giới của muôn loài.
Ngoài Trời ra, người Mông không xếp thần linh theo một trật tự thứ bậc nào, như thần linh của các dân tộc đã phân chia giai cấp. Với người Mông, các vị thần trong thế giới thần linh đều bình đẳng. Và nó chỉ trở nên quan trọng, trở nên cần thiết vào chính thời điểm mà người Mông cần đến vị thần đó. Ví như gặp năm hạn hán, mùa màng, cây cối bị hanh khô thiêu đốt, thì thần nước, cụ thể là thần bến nước, thần suối, thần sông là quan trọng nhất. Trong trường hợp hạn hán kéo dài, người Mông thường cử già làng và thầy mo ra cầu cúng tại các nơi này. Nơi nào là nguồn nước, thì được coi là thần nước ở đấy to nhất, thiêng nhất. Do đó, lễ cúng phải kéo dài có khi tới cả mấy ngày. Vật cúng thường là rượu, gà, heo. Nhưng nếu vị thần nào được tôn vinh là quan trọng nhất, người Mông còn dùng cả vật hiến tế bốn chân và có sừng như dê, bò, trâu giết đi, lấy máu hoà vào rượu cúng thần, rồi đem vẩy ra bến bãi, vẩy lên trời để cầu, ví như thần mưa. Tục cúng này ở người Kinh gọi là “cầu đảo”, có nơi gọi là “đảo vũ”, tức cầu mưa.
Gặp năm được mùa, người Mông cúng thần lúa để tỏ lòng biết ơn thần.
Nhà có người ốm, người Mông thường cầu xin cái ma (tức linh hồn) của tổ tiên, ông bà phù hộ cho chóng khỏi, gặp trường hợp không khỏi thì mời thầy mo đến cúng. Người Mông tin có ma. Họ còn tin con người có thể làm ma, nuôi ma và thả ma làm cho người khác ốm đau hoặc chết. Họ tin có ba loại ma là ma ngũ hải, ma theo sau và ma sú. Khi gia đình có người chết đột ngột (do ngạt thở hoặc hộc máu), người ta cho là ma ngũ hải. Người Mông nghi người Dao có ma ngũ hải. Trong nội bộ người Mông thì họ nghi nhau có ma theo sau làm. Thí dụ, một người ghét người nào, có thể khấn để ma của họ đến làm hại người kia. Họ cho rằng loại ma này có thể làm người ta ốm đau đột ngột, chứ không nguy hiểm chết người như ma ngũ hải.
Cách “phát hiện” ma là do thầy cúng “phát hiện” ra ma và xác định loại ma nào, thì chủ nhà căn cứ vào mối quan hệ của họ với những người quen biết mà xác định ai là người có ma đang làm hại họ.
Cách phát hiện thứ hai là bản thân chủ nhà đã nghi ai đó có ma. Họ lấy ba chiếc đũa dựng đầu bằng vào một bát nước, đầu nhọn cho chụm vào nhau rồi khấn: nếu phải người này làm ma cho ốm thì bó đũa sẽ đứng. Và thế là họ tin, tìm cách trả thù. Việc tin vào hai loại ma này đều dẫn đến mỗi quan hệ xã hội không tốt trong cộng đồng.
Loại thứ ba là ma sát. Người Mông cho rằng loại ma này cũng nguy hiểm, vì nó gây ra tai nạn khôn lường, như cháy nhà, đá lăn, cây đổ vào người đi rừng, đi nương, hoặc vào nhà. Họ phòng ma sú bằng cách mời thầy cúng đến nhà, cúng, để tẩy rửa mọi sú uế trong nhà. Sau đó họ giao cho một con dê thồ những thứ sú uế đó đến một các hang thật sâu, thật xa, rồi mổ thịt dê làm lễ cho những sú uế đó theo gió, theo mây bay ra tận nơi hồ rộng, biển sâu, nơi không những con người, mà kể cả chim nuông cũng không thể đến đẻ trứng, cho khuất hẳn cuộc sống của họ. Sau lễ tẩy rửa đó, họ tin rằng tai hoạ thiên nhiên rình rập họ hàng ngày là điều tất nhiên, bởi vậy họ có nỗi lo sợ thường trực tai hoạ đó.
Người Mông tin thầy mo là nhân vật trung gian giữa người và thần linh. Vì vậy, trong xã hội người Mông, già làng là người và thần linh. Vì vậy, trong xã hội người Mông, già làng là người được cả làng bản kính trọng, và tuân thủ mọi điều ông phân xử trong cuộc sống đời thường. Trái lại, thầy mo là người dân bản kính trọng, ở khía cạnh vị này coi sóc về mặt tín ngưỡng, tâm linh, dường như là người hộ trì cho giao, giống về tâm hồn. Thật vậy, người làng bản, tức đứa bé chào đời làm lễ cúng mụ, đến người ốm phải cúng ma, người chết phải an táng, làm ma khô… Tất cả những công việc đó, đều phải nhờ đến thầy mo. Có thể nói, tới nay vị trí của già làng, chính quyền có thể thay thế được nhiều mặt, nhưng vị trí người thầy mo thì chưa có gì thay thế được. Có thời kỳ ở nơi này, nơi khác, sự cấm đoán của chính quyền gay gắt không cho thầy mo hành nghề. Nhưng dân vẫn cần đến họ. Không cúng ban ngày, họ cúng ban đêm. Không cúng tại nhà thì cúng tại rừng.
Vì sao vậy, vì nhận thức về thế giới thần linh nói riêng và thế giới quan của người Mông chưa thay đổi. Người Mông quan niệm ngoài thế giới của con người trần thế, lại có thế giới của người chết ở âm phủ, và còn một thế giới khác nữa của tiên thần. Người Mông tin rằng con người chết, hồn ma về đoàn tụ với thế giới của tổ tiên, ông bà. Và người Mông cũng tin co người còn được đầu thai qua kiếp khác.
Vì sao tin vào thần linh, mà người Mông không lập đền thờ?
Người Mông không lập được đền thờ, là bởi hệ thần kinh của người Mông quá đông đúc và phức tạp. Bởi lẽ quan niệm “vạn vật hữu linh”. Nghĩa là thần linh có mặt trong hầu khắp các loại, từ cây cối, sông suối, núi non, cầm thú… Do đó, không thể chỉ lập đền thờ thần này mà không lập đền thờ thần khác. Đây là điều hoàn toàn khác với người Kinh. Việc cai quản phần an ninh tinh thần, người Kinh giao hẳn cho một vị gọi là thần hoàng làng. Thần này có thể là nhân thần, tức vị thần có nguồn gốc, có lai lịch rõ ràng. Ví như người có công với dân làng đó. Hoặc lập ra làng, hoặc đưa một nghề về cho làng sinh sống, hoặc là một đại thần đem đất thực ấp ra chia cho dân làng… được dân làng tôn làm thần hoàng. Cũng có làng là một vị thiên thần. Bởi miền đất nghịch hay có cướp trộm hoặc tai hoạ về thuỷ hoả, nên dân làng rước Long thần như “Long hải đại vương” về thờ để trấn ngự. Bản thân ngôi đình còn là nơi họp mặt của cộng đồng, là nơi tổ chức các cuộc tế, lễ, hội hè.
Ngoài ra, nếu dân theo về Phập gioá, thì xây thêm một ngôi chùa, có sư trụ trì.
Người Kinh thờ đơn giản như vậy, là bởi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của họ được xác định rõ ràng: Tôn giáo có giáo chủ, thần hoàng có thần chủ.
Ngay tín ngưỡng về uống nước nhớ nguồn, tức là tục thờ cúng tổ tiên của người Kinh và người Mông cũng khác.
Người Kinh và người Mông cùng thờ cúng tổ tiên. Nhưng mỗi dân tộc thờ theo cách của mình. Người Kinh lập bàn thờ tổ tiên tại nơi trang trọng nhất của căn nhà. Và cúng giỗ theo ngày chết. Người Kinh coi linh hồn tổ tiên như một thành phần không thể thiếu của gia đình. Và họ tin rằng, linh hồn tổ tiên rất đơn giản. Tuỳ từng họ, có họ có bàn thờ, có họ không. Họ có bàn thờ thì có ba ống tre để cắm hương, ống giữa thờ tổ tiên, ống bên phải thờ thần quản gia, trông coi việc gia đình, ống bên trái thờ thần thuốc, trông coi việc sức khoẻ của mọi người trong gia đình. Họ không lập bàn thờ thì dùng giấy bản, giấy vàng hương hay lông gà, dính lên tường, cũng có ý nghĩa như trên.
Người Mông không làm giỗ người chết, chỉ làm ma tươi và ma khô là xong. Ngày Tết, người Mông cúng theo dòng họ. Có họ 30 Tết không cúng, chỉ đốt vàng hương và cúng vào sáng mồng một. Có họ cúng vào 30 Tết, còn mồng một không cúng. Ngày mồng 3 Tết, ngày rằm tháng giêng, ngày thanh minh, ngày rằm tháng bảy thì họ nào cũng cúng (đó là cúng tổ tiên). Còn Thổ công người Mông không cúng trên bàn thờ, mà thường đem môi cơm, chén rượu ra ngoài sân cúng, rồi tưới rượu lên đất ở đó (Người Mông cho rằng đất họ sinh sống trước đó, người Cờ Lao, người Lô Lô ở).
Trên đây là nói về hệ tín ngưỡng của người Mông. Biểu hiện cho tín ngưỡng ấy, thuộc hệ phái nào, là điều từ trước chưa có ai lý giải.
Như đã nói, các dân tộc sống gần gũi nhau, thường có sự giao lưu văn hoá, đôi khi cả phong tục. Và sức hút thường hướng về phía dân tộc nào có nền văn hoá cao. Điều đó có nghĩa là, người Mông ảnh hưởng rất lớn với Nho giáo và Đạo giáo, và họ đem pha trộn vào hệ tín ngưỡng của mình.