Nghi lễ cưới xin của người Pu Péo
07/02/2025
Việc cưới xin của người Pu Péo phải trải qua nhiều bước như lễ dạm, lễ hỏi, lễ xin dâu, lễ đón dâu và lễ lại mặt. Trong lễ dạm, ông mối mang một gói cơm nếp (gói thành hình vuông bằng lá dong) và ít tiền (không cần nhiều, nhưng phải là số chẵn) làm lễ vật tới thưa chuyện với nhà gái. Nếu nhà gái nhận lễ vật tức là họ đã chấp thuận chuyện hôn nhân của đôi trẻ. Sau lễ dạm chừng một hai tuần, người ta sẽ chọn ngày tiến hành lễ hỏi. Ông mối cùng một người giúp việc mang lễ vật gồm một sọt tre đựng xôi, một miếng thịt sườn, một mảnh vải đỏ, một đôi bát, một chuỗi hạt cườm và một đôi vòng tay sang nhà gái. Sau khi thực hiện nghi lễ cúng tế trước bàn thờ tổ tiên nhà gái, ông mối phải tặng tiền cho các bậc bề trên trong họ nội ngoại của cô dâu. Bố mẹ và ông cậu được nhiều hơn. Số tiền tặng cũng phải là số chẵn. Từ đó trở đi, cứ đến những ngày lễ tết (tết Nguyên đán, tết tháng năm, tết cơm mới,…) nhà trai lại phải sang sêu tết.
Các đám cưới của người Pu Péo thường được tổ chức vào tháng 11 - 12 âm lịch hàng năm. Trước khi đón dâu, nhà trai phải có lẽ sang nhà gái xin dâu. Lễ vật xin dâu gồm có hai sọt cơm nếp, tiền và đồ lễ như trong lần ăn hỏi. Khi nhà gái đã nhận lễ vật, xem như cô gái đã thuộc về nhà trai, chỉ còn định ngày đón dâu.

Lễ cưới của người Pu Péo được tổ chức trang trọng và vui vẻ. Đoàn đón dâu của nhà trai (bao giờ cũng phải là số chẵn: 14-16 người) mang theo năm sọt xôi (một sọt để ăn đường), hai mét vải đỏ, một chuối hạt cườm, một đôi bát và một con gà trống sang nhà gái. Lúc này, nhà gái sẽ kê một chiếc bàn con (trên bày rượu và nước chè) ngang cửa chính. Hai họ sẽ cử đại diện hát đối đáp và mời rượu, mời nước lẫn nhau - bao giờ cũng mời liền hai chén, một chén rượu, một chén nước. Sau chầu hát đối (có thể kéo dài ba, bốn giờ đồng hồ), nhà gái mới kéo bàn ra và mời nhà trai vào nhà. Buổi tối, nhà trai bày lễ vật để cúng tổ tiên nhà gái, sau đó trao lại lễ vật cho cha mẹ và tặng tiền cho họ hàng của cô dâu. Riêng người mẹ bao giờ cũng được tặng nhiều tiền hơn những người khác, bởi đó là người có công mang nặng đẻ đau, bú mớm dưỡng dục. Đáp lại, bố mẹ và họ hàng nhà gái cũng trao của hồi môn và tặng quà cho cô dâu. Đêm đó, hai họ cùng nhau ăn uống, ca hát vui chơi.



Sáng hôm sau, cô dâu và chú rể phải làm lễ gia tiên rồi một cô bạn gái của cô dâu sẽ cõng cô ta ra khỏi cổng để về nhà trai. Khi đoàn đón dâu về, nhà trai cũng phải tổ chức lễ cúng trước bàn thờ tổ tiên, từ đó cô dâu sẽ được coi là một thành viên mới của gia đình. Trong bữa tiệc cưới ở họ nhà trai, cơm và thức ăn được bày trên một chiếc nong lớn, tất cả mọi người - kể cả cô dâu, chú rể cũng như khách khứa đến chung vui - đều phải ăn bốc. Tiếp đó, họ hàng, bạn bè của chú rể sẽ tặng quà cho cặp vợ chồng trẻ.
Lễ lại mặt lần đầu được tiến hành sau lễ cưới 3 ngày. Trong lễ này, ông mối không phải đi cùng mà chỉ có hai vợ chồng mới cưới mang theo một nắm cơm nếp và một dẻ thịt sườn. Tiếp đó, cặp vợ chồng trẻ còn phải trở lại nhà cha mẹ vợ 3 lần nữa (sau ngày cưới 7 ngày, 13 ngày và một tháng) nhưng không phải mang theo lễ vật.
Chế độ phụ quyền đã được xác lập ở người Pu Péo, do vậy, sau hôn nhân cô dâu phải sống ở nhà chồng, khi chết sẽ là ma nhà chồng. Mỗi lần trở lại thăm cha mẹ đẻ, cô ta được đối xử như một người khách, không được giúp đỡ gia đình làm cơm nước hay dọn dẹp nhà cửa. Chỉ với những gia đình neo người hoặc không có con trai mới cho con rể đến ở. Trong trường hợp đó, các lễ thức cưới hỏi đơn giản hơn rất nhiều và nhà trai cũng không phải nộp lễ vật cho nhà gái hay tặng tiền cho họ hàng cô dâu.
Thiên Nga