image bannerimage banner
Lễ hội Múa kiếm của Người Giáy xã Nậm Ban
Cỡ chữ Tương phản
Nậm Ban, cách trung tâm huyện Mèo Vạc 34 km về phía nam. Tuy nằm trên vùng Cao nguyên đá nhưng xã Nậm Ban được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nơi đây một vùng đất khá màu mỡ với nhiều suối nhỏ, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo tập tục của người Giáy, sau khi kết thúc năm hoặc sau thu hoạch mùa màng người Giáy thường tổ chức lễ hội Múa Kiếm cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bà con ấm no, bình yên.

 

anh tin bai

         Lễ cầu an hay còn gọi là Lễ hội múa kiếm được ra đời từ khi người Giáy xuất hiện. “Truyện kể rằng: Trước đây người Giáy, người Tày mỗi năm sau khi xong một chu kỳ sản xuất, thu hoạch xong hết năm cũ, đầu năm mới, tết Nguyên đán,… người Giáy thường tổ chức Lễ cầu an (Lễ hội múa kiếm) tạ ơn trời đất và các thần linh… cầu cho mưa thuận, gió hoà để mùa màng tươi tốt, bội thu, cầu cho con cháu khoẻ mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng bình yên…” Từ đó, Lễ cầu an ra đời, lưu truyền và trở thành nghi lễ truyền thống không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Giáy nơi đây trong dịp Tết nguyên đán, gia đình vào nhà mới và trong dịp cuối năm sau khi thu hoạch xong.

anh tin bai

         Mở đầu cho lễ hội, thầy cúng sẽ đứng ra thực hiện các bước mời thần linh về chứng kiến các nội dung nghi lễ và phù hộ cho dân làng có mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau lễ cúng, 12 thành viên trong đội múa, đứng trước bàn thờ để thầy cúng phát đạo cụ (kiếm, dao, mã tấu, trống, cào 5 răng,…) chuẩn bị cho nghi lễ múa kiếm. Trống chiêng nổi lên và nghi thức chính thức bắt đầu, phần nghi lễ này tạo nên một không khí vô cùng nhộn nhịp bởi âm thanh của đạo cụ va vào nhau nghe thật thú vị. Những thao tác uyển chuyển, mềm mại, sự kết hợp nhuần nhuyễn khi sử dụng đạo cụ hòa cùng các động tác được thống nhất giữa các thành viên. Các động tác và nội dung thể hiện khá phức tạp đòi hỏi sự tập trung và nắm bắt tốt về kỹ năng trình diễn. Được biết để theo học được các bước thực hiện nghi thức này, người trong đoàn múa phải được người am hiểu truyền dạy, thời gian có thể lên đến 3 năm luyện tập.

         Kết thúc bài múa, thầy cúng lại đứng trước bàn thờ, cầm bát nước với nhành cây thạch thảo vẩy xung quanh các thành viên đoàn múa để xua đuổi những điều không may mắn. Nghi lễ múa kiếm kết thúc, là lúc điệu múa khăn những cô gái Giáy bắt đầu. Điệu múa này còn được các cô gái Giáy thể hiện trong lễ cưới, điệu múa biểu lộ rõ sự tươi vui của những cô gái Giáy nói riêng và người dân tộc Giáy nói chung.

anh tin bai

         Lễ hội múa kiếm là nghi lễ độc đáo nhất của người dân tộc Giáy tại xã Nậm Bản, trở thành điểm hội tụ của gia đình, dòng họ gắn kết trách nhiệm với cộng đồng. Ngày nay cuộc sống đã có nhiều đổi thay, các sinh hoạt cộng đồng không còn được duy trì thường xuyên, nhưng người Giáy vẫn cố gắng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo riêng có này.

Tô Hương

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 751
  • Trong tuần: 7 249
  • Tất cả: 1086247

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay