Giống như các tộc người khác sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn, nghi lễ vòng đời của đồng bào dân tộc Giáy cũng tuần tự trải qua các giai đoạn khác nhau như: Sinh đẻ, cúng ba ngày, lễ đầy tháng, lễ giải hạn, lễ trưởng thành, lễ cúng giải hạn, lễ cấp sắc, lễ cưới hỏi, tang ma. Trong đó, lễ cấp sắc được người Giáy coi là một nghi lễ quan trọng, đặc biệt của một người. Nếu người Dao coi lễ cấp sắc là nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của một người con trai thì với người Giáy lễ cấp sắc là nghi lễ dành riêng cho những người học nghề thầy cúng.
Thầy cúng là người được cộng đồng dân tộc Giáy tôn trong và tin tưởng
Khi người học tích luỹ đủ các kiến thức và kỹ năng, vượt qua kì sát hạch, kiểm tra của thầy cúng, được sự đồng ý của thầy, người học sẽ chuẩn bị để làm lễ cấp sắc, nhận thụ phong của các Thiên, tổ tiên, sư phụ. Gia đình nhờ thầy cúng xem và chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức làm lễ cấp sắc. Sau dó, gia đình mời anh em, họ hàng đến họp bàn, phân phó công việc và làm các việc chuẩn bị cho lễ cấp sắc.
Tuỳ điều kiện kinh tế, từng gia đình có người làm lễ cấp sắc có thể chuẩn bị ít nhiều lễ vật, lương thực, thực phẩm,… nhưng bắt buộc phải có 1 con dê, 1 con lợn, 2 con gà trống và 2 con vịt đực. Ngoài ra lễ vật còn có nải chuối xanh, các loại quả, bánh kẹo, nước chè, rượu, gạo nếp, gạo tẻ, trứng gà, giấy tiền vàng, hương,…
Người được cấp sắc phải tắm rửa sạch sẽ, ăn uống thanh tịnh, không được gần gũi phụ nữ, không làm các công việc nặng nhọc, chân tay lấm bẩn. Gia đình phải tìm người phụ nữ trung niên khéo tay, đoan chính thêu và may áo, mũ, giày thầy cúng cho người được làm lễ cấp sắc.
Gian giữa trong nhà, thầy cúng cho dựng một đàn cúng Thiên và các sư phụ của nghề thầy cúng. Gồm có hai tầng riêng biệt. Tầng trên bày bát hương, 6 chén nước, dán bùa chú bằng giấy màu xanh đỏ, treo tranh ảnh các Thiên, bày các sách cúng, dụng cụ cúng của thầy cúng, một bát nước lã, một cành là bưởi xanh làm phép của thầy cúng. Tầng dưới bày các lễ vật như dê, lợn, gà, vịt, gạo.
Một bàn thờ dành riêng cho người được cấp sắc đặt dưới sàn nhà, ở phía sát cửa lên xuống, cò bày 6 bát gạo cắm hương, 6 cái chén, 1 bó lúa nếp, 1 con gà, 1 con vịt, một đĩa hoa quả, bánh kẹo, hình nhân bằng giấy có ghi họ tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp sắc.
Người được làm lễ mặc trang phục truyền thống, đội mũ ngồi trước bàn thờ để thầy cúng làm lễ. Thầy cúng đứng trước, chính giữa bàn thờ Thiên và làm lễ khấn xin các Thiên, sư phụ ban ấn phù, kiếm chỉ đường và các dụng cụ khi hành nghề. Sau khi thầy cúng khấn, làm phép, thầy cúng phụ đứng bên cạnh đánh chiêng, người được cấp sắc phải đọc lại lời khấn của thầy cúng chính.
Nội dung các bài khấn liên quan đến các bước: báo danh người được cấp sắc, tên, tuổi, địa chỉ và quá trình học nghề, thi vượt qua kì sát hạch, đủ điều kiện và khả năng làm thầy cúng; dâng các lễ vật và xin Thiên và các sư phụ ban ấn phù, cấp phép cho hành nghề; được sự đồng ý của Thiên và các sư phụ, thầy cúng làm lễ rửa mặt, tẩy trần cho người được cấp sắc. Thầy cúng dùng cành lá bưởi xanh nhúng vào bát nước lã trên bàn thờ, vầy nước lên mặt, lên người được cấp sắc để làm phép đuổi tà ma, điều xấu vẫn còn đeo bám, dính dáng trên người người cấp sắc. Sau khi rửa sạch bụi bẩn, uế tạp trên người bằng nước lá bưởi, người làm lễ cấp sắc mới được thầy cúng đại diện cho Thiên và các sư phụ giao cho các dụng cụ của thầy cúng như ấn phù, kiếm chỉ đường, được mặc áo, đội mũ, đi hài thầy cúng. Đây là nghi thức thể hiện sự đồng ý của các Thiên và các sư phụ nghề thầy cúng đối với người được cấp sắc. Từ nay, người cấp sắc được Thiên và các sư phụ ban cho âm binh, sức mạnh, bảo vệ và hỗ trợ khi đi làm lễ cúng vì thầy cúng chính là đại diện của Thiên và các sư phụ ở trên trần gian.
Sau khi làm lễ cúng xong, người được cấp sắc phải ở trong nhà 5 ngày liên tục. Đến ngày thứ 7 thì ông thầy cúng đến dọn mâm thờ. Người được cấp sắc không được đi lại dưới gầm sàn nhà, không được ăn uống bừa bãi, tuyệt đối không được ăn thịt trâu, thịt chó.
Sau lễ cấp sắc, người được cấp sắc chính thức trở thành thầy cúng, có thể tự mình làm thầy cúng chính trong nghi lễ cúng cho bàn con trong làng bản.
Xuân Đôn