UNESCO công nhận 16 Công viên địa chất toàn cầu mới
17/04/2032
Ngày 17/4, UNESCO đã công nhận 16 Công viên địa chất mới, đưa tổng số thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO lên 229 tại 50 quốc gia. Mạng lưới hiện có diện tích gần 855.000km2.
Chương trình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, năm nay kỷ niệm 10 năm thành lập, và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu bao gồm các lãnh thổ được công nhận về di sản địa chất phong phú: di sản địa chất, núi hoặc núi lửa, hang động, hẻm núi, địa điểm hóa thạch hoặc cảnh quan sa mạc cổ đại - nơi chứng kiến cho lịch sử, sự tiến hóa của hành tinh chúng ta. Những địa điểm này cũng là nơi để bảo tồn và giáo dục môi trường, nơi các cộng đồng địa phương và người dân bản địa có thể quảng bá văn hóa của họ.

“Trong 10 năm qua, Công viên địa chất UNESCO đã trở thành mô hình cho việc bảo tồn di sản địa chất. Nhưng vai trò của Mạng lưới được khẳng định rõ hơn: hỗ trợ các dự án giáo dục, thúc đẩy du lịch bền vững và bảo tồn kiến thức truyền thống của các lãnh thổ thông qua sự tham gia tích cực của các cộng đồng địa phương và người dân bản địa. Đây là trường hợp, ví dụ, tại Công viên Địa chất Katla của Iceland, nơi các trường học địa phương đang tích cực tham gia vào nghiên cứu khoa học được thực hiện trên Công viên địa chất này, nơi lưu giữ ký ức của núi lửa và hệ thống băng thông qua dòng dung nham và bãi cát đen” - Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc của UNESCO nói.
Mỗi năm, các Công viên địa chất mới được bổ sung vào mạng lưới theo quyết định của Hội đồng Điều hành của UNESCO, sau khi Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu xem xét các hồ sơ, báo cáo đánh giá từ các chuyên gia quốc tế.
16 công viên địa chất mới được chỉ định nằm ở: Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - đánh dấu công viên địa chất đầu tiên và đóng góp vào việc bảo vệ dãy núi chung với Trung Quốc, Ecuador, Indonesia, Ý, Na Uy, Cộng hòa Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út - chủ trì hai công viên địa chất đầu tiên, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Việt Nam.
UNESCO tiếp tục thúc đẩy chương trình tại các khu vực có công viên địa chất ít phổ biến hơn, đáng chú ý ở châu Phi, Ả Rập,... UNESCO thực hiện điều này bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, các buổi đào tạo phù hợp và tư vấn cá nhân về quy mô quốc gia và địa phương, hướng dẫn việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận trở thành thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
Thế Vinh