image bannerimage banner
Quá trình định cư của người Giáy ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Cỡ chữ Tương phản
Người Giáy di cư vào Việt Nam có nhiều mốc thời gian khác nhau tuỳ thuộc vào từng nhóm. Trong công trình về người Giáy ở Việt Nam, tác giả Vũ Quốc Khánh cho rằng, người Giáy có nguồn gốc từ Trung Quốc di cư vào Việt Nam khoảng 300 năm trước. Theo tư liệu dân tộc học của một số học giả Việt Nam được triển khai nghiên cứu vào những năm 60 của thế kỷ trước cho biết, có lẽ người Giáy có mặt ở nước ta trên dưới 200 năm, tức khoảng 10 đời. Trong nghiên cứu của Lê Duy Đại, Triệu Đức Thanh về các dân tộc ở Hà Giang lại cho rằng, người Giáy có mặt sớm nhất ở Việt Nam cũng chỉ trên 100 năm (khoảng 5-7 đời). Nguồn tư liệu “Sử Thái (Quắm tố nương) còn chép vào thế kỷ XVII -XVIII, họ tràn xuống chiếm miền thượng lưu sông Đà, xuống tận Yên Bái, Nghĩa Lộ, sang tận bên Thượng Lào. Một bộ phận sang chiếm miền thượng Lào. Người Thái gọi người Giáy là người Giằng. Đến đầu thế kỷ XIX, bộ phận ở Nghĩa Lộ bị người Thái đẩy lùi về miền Yên Bái và Lào Cai và cư trú ở đó cho đến nay. Một số ít ở lại miền Tú Lệ lâu ngày hoà hợp với dân tộc Thái.
anh tin bai

         Qua những tư liệu trên cho thấy, người Giáy di cư vào nước ta theo nhiều đợt với nhiều thời điểm khác nhau, họ thường không đi theo những cuộc di cư có quy mô lớn, không có tổ chức vũ trang tự vệ như nhóm Thái Đen, thay vào đó họ đi theo từng nhóm gia đình, qua nhiều đợt khác nhau, từ những địa bàn khác nhau của Trung Quốc sang. Như vậy, lịch sử di cư của người Giáy vào nước ta diễn ra nhiều đợt với thời gian và địa bàn cư trú khác nhau, những điểm đến tập trung một số tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái.

         Khi người Giáy di cư vào Việt Nam, tộc người này không cư trú biệt lập mà thướng xen cư với các dân tộc khác. Vì thế, các đặc trưng văn hoá của người Giáy như ăn ở, mặc, ngôn ngữ, phong tục,… có sự giao thoa, gần gũi với người Tày, Nùng, Thái, Bố Y, Tu Dí, Phù Lá,… Theo nhiều nghiên cứu nhận định, đặc trưng này không phải là quá trình giao lưu văn hoá mà là quá trình thống nhất của các nhóm người vốn chung nguồn gốc lịch sử, ngôn ngữ và những điểm văn hoá khác. Đó là hiện tượng sống hoà vào nhau đang diễn ra ở nhiều địa phương: ở các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Lạc, Yên Minh, dân tộc Giáy với dân tộc Tày, ở các huyện Bảo Yên, Mường Khương, dân tộc Giáy với dân tộc Nùng; ở các huyện Mường Tè, Phong Thổ, dân tộc Giáy với dân tộc Thái. Ở những nơi đó, đồng bào Giáy, hoặc giữ được tập quán sinh hoạt dân tộc, nhưng sử dụng ngôn ngữ dân tộc khác, hoặc giữ được ngôn ngữ dân tộc Giáy nhưng tiếp thu tập quán sinh hoạt của dân tộc khác.

         Cũng có nơi như bản Giằng (Mường Tè), Nặm Cáy, Tà Chải (Bắc Hà) người Giáy chỉ giữ lại được cách cúng tổ tiên để nhận ra là dân tộc Giáy. Một số nơi như Bản Lầu (Mường Khương), Phong Niên (Bảo Thắng) người ta khó phân biệt ngôn ngữ, sinh hoạt của hai dân tộc Giáy và Nùng. Như vậy, do đặc điểm cư trú, người Giáy chịu ảnh hưởng khá nhiều về văn hoá của các tộc người sống lân cận, nhất là về ngôn ngữ. Tuy vậy, nhiều nơi họ vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ và bảo lưu nhiều nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

anh tin bai

         Qua tìm hiều về địa bàn cư trú của dân tộc Giáy ở xã Nậm Ban và Tát Ngà, có thể thấy, sự di cư lập làng, bản nơi đây đã diễn ra nhỏ lẻ từ trước đó, cách đây hàng trăm năm (từ 5-7 đời) và diễn ra mạnh mẽ trong thời gian cuối thế kỉ XIX. Do thời kỳ chiến tranh, loạn lạc nên dân tộc Giáy đã di cư tản mát từ phía Yên Minh, Đồng Văn sang Mèo Vạc thành từng tốp nhỏ. Sau khi cư trú ổn định thành từng cụm gia đình, dòng họ, làng bản, người Giáy dần phát triển dân cư ra các khu vực xung quanh để mở rộng địa vực sinh sống và phân bố như ngày nay. Trong nghiên cứu của tác giả Đỗ Đức Lợi, đại bộ phận người Giáy có nguồn gốc di cư từ Vân Nam, cụ thể hơn là từ huyện Ma Ly Pho (Vân Nam) sang, đây là huyện giáp với tỉnh Hà Giang, họ cư trú xen kẽ trong các làng bản của người Tày, Nùng, Lô Lô,…

         Về tộc danh, nguồn gốc lịch sử người Giáy tại xã Tát Ngà và Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Nghiên cứu thực địa cho thấy, họ không nhớ thời gian cha ông họ đến cư trú ở vùng đất này, họ cũng không nhớ nguồn gốc từ đâu đến, họ chỉ biết rằng, theo các cụ xưa kể lại là người Giáy từ bên Trung QUốc đến vùng đất Nậm Ban và Tát Ngà định cư đến nay được khoảng 7-8 đời. Lúc đến đây, vùng đất này đã có người Tày, Nùng và Mông sinh sống. Thời kỳ đầu, người Giáy tập trung thành những nhóm nhỏ, hoặc sinh sống cạnh người Tày, Nùng - gần những thung lũng nhỏ hẹp cạnh nguồn nước. Về đặc điểm kinh tế, người Giáy chủ yếu làm nông lâm nghiệp, thủ công nghiệp và khai thác tự nhiên. Những năm gần đây, người Giáy đã biết buôn bán nhỏ, làm dịch vụ, đi làm thuê, làm công nhân. Một số hoạt động kinh tế theo định hướng kinh tế hàng hoá. Về đặc điểm xã hội và văn hoá, dưới tác động và thay đổi của xã hội, bên cạnh những phong tục tập quán truyền thống được bảo lưu, đời sống của người Giáy đã có nhiều thay đổi.

Thiên Nga

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 492
  • Trong tuần: 6 939
  • Tất cả: 1087989

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay