Chùa Quan Âm còn có tên gọi theo tiếng Quan Hoả là Quán Dín Miếu, thuộc phố Lũng Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Ban thờ trong chùa Quan Âm
Theo lời kể của các cụ cao tuổi, chùa Quan Âm do các thương nhân làm ăn buôn bán ở phố Lũng Phìn dựng lên, khởi thuỷ, ngôi chùa dựng bằng lều tranh, tượng thờ đơn sơ, không có ai quản lý nên bị cháy. Sau đó người dân trong vùng, khách thập phương và đặc biệt là các thương nhân cùng nhau đóng góp tiền của, nếu không có tiền thì đóng góp sức người để xây dựng lại chùa. Vì vậy, chùa Quan Âm được xây dựng bằng đá khang trang như ngày nay. Cùng thời điểm này nhân dân nơi đây cũng tiến hành xây Miếu Thổ Công, Thổ Địa. Miếu thổ công, thổ địa được dựng lên để cai quản và phù hộ nhân dân mạnh khoẻ, bình an,…
Báo cáo của tiểu đoàn trường MorTreuil – Chỉ huy đạo quan binh thứ ba, gửi ngài thống xử Bắc Kỳ, ký ngày 30/7/1909, có nội dung viết: “Người Mèo dường như cuối cùng rất gắn bó với đất: Tôi coi đó như một bằng chứng xây dựng rất tiên tiến là một ngôi chùa đẹp to bằng đá được cắt đẽo công phu, mái ngói ở Lũng Phìn và một ngôi chùa bằng đất nén ở Sà Phìn”. Do vậy, có thể xác định được chùa Quan Âm được xây dựng trước năm 1909.
Cổng chùa Quan Âm được xây dựng đơn sơ gồm có hai cột trụ hình vuông xây bằng xi măng, cát và gạch bi. Phía trên tạo vòm cong, có hai mái trước và sau, mái lợp ngói mũi hài. Phía trên cổng và hai cột trụ được đắp nổi dòng chữ Hán, nội dung ghi:
Phiên âm: “Dĩ thiện quảng chiêu”
Dịch nghĩa: “Mở rộng lòng hướng thiện”
Hai câu đối trên cột:
Phiên âm: “Thủ bổng chân hướng tiến cung môn
Thành kiền khẩu bái cầu linh
Dịch nghĩa: “Tay cầm nén hương dâng lên của Thánh
Cúi đầu kính thành khấn vái sẽ được linh ứng”
Chùa Quan Âm
Chùa Quan Âm có tổng diện tích hơn 80m2, gồm có 3 gian, kiến trúc hình chữ nhật. Những phiến đá làm chùa không được xây dựng bằng vôi hay xi măng mà các nghệ nhân dùng búa, đục tạo ra những phiến đá hình vuông, hình chữ nhật phẳng có nhiều kích thước khác nhau. Khi đã tạo xong họ xếp thành bức tường đá dày 60cm đến 70cm rất vững chắc. Khi xếp đá, các nghệ nhân dùng một phiến đá to, dài xuống trước, tiếp đến dùng hai viên có kích thước ngắn hơn đặt lên trên rồi tiếp tục đến phiến đá dài đặt lên trên… Phiến đá lớn, dài có tác dụng giữ cho các phiến đá nhỏ không bị rơi, tạo cho bức tường có sự chắc chắn.
Mái chùa được lợp ngói máng (ngói âm dương) tạo nên vẻ cổ kính. Chùa Quan Âm là địa điểm để nhân dân khu phố Lũng Phìn và du khách thập phương đến cúng lễ vào ngày rằm, mùng 1, cầu sức khoẻ, bình an và mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt…
Chùa Quan Âm được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2013.
Nguyễn Nhung - Quang Chung