image bannerimage banner
Đền Quan Công - huyện Đồng Văn
Cỡ chữ Tương phản
Đền Quan Công người dân địa phương còn gọi là đền Tam Thánh, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1910 - 1917, đền toạ lạc ở giữa cánh đồng, thuộc Tổ 4, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.  
anh tin bai

         Đền lập nên để thờ Quan Công, cũng được gọi là Quan Vũ (160-219), tự là Vân Trường, là một vị tường thời kỳ cuối nhà Đông Hán vào thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là một trong ngũ hổ tướng (Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu). Đồng thời là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị.

         Với những chiến tích và phẩm chất đạo đức được đề cao cũng như được thần thánh hoá trong các câu chuyện dân gian, bắt đầu từ thời kỳ nhà Tuỳ (581-618). Ông cũng được thờ ở nhiều nơi với pho tượng mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long đao yển nguyệt hoặc cưỡi ngựa xích thố. Tương truyền thanh long đao của ông nặng 82 cân (khoảng 40kg). Ngoài ra, theo quan niệm của người Trung Quốc, có 2 vị thánh được tôn kính là Văn Thánh (Khổng Tử) và Võ Thánh (Quan Công). Hai vị này biểu trưng cho văn võ song hành để phục vụ các triều đại phong kiến. Từ thời Tống (962-1279), Quan Công được thần thánh hoá và trở thành vị thần trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc được thờ ở nhiều nơi. Tại Việt Nam dân gian coi Quan Công là bậc anh hùng, tài đức vẹn toàn, một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa, ông được thờ ở nhiều đền miếu.

anh tin bai

         Đền Quan Công xây dựng theo kiểu nhà cấp IV tường hồi bít đốc gồm có 3 gian lợp ngói âm dương (ngói máng) mang đậm dấu ấn kiến trúc đầu thế kỷ XX.

         Phần tường giáp mái chính điện được viết trực tiếp trên nền sơn màu đỏ bốn chữ Hán đại tự: Đế đức quảng vận (Dịch nghĩa: Đức độ của bậc đế rộng lớn bao la).

         Hiện nay, đền còn giữ được 3 pho tượng bằng đất sét gồm tượng Quan Công cùng thanh trường đao Yển nguyệt (Yển Nguyệt: Nghĩa là trăng lưỡi liềm) được làm bằng gỗ. Hai bên hữu, tả là hai tượng hầu cận. Các pho tượng này đều có khuôn mặt màu trắng, đỉnh đầu được choàng các tấm khăn màu đỏ.

         Ngoài ra, đền Quan Công còn lưu giữ một tấm bài vị bằng gỗ chạm trổ công phu, tinh sảo, sơn son thếp vàng. Phần trên tạc hình hổ phù, chính giữa là dòng chữ Hán nói về Quan Thánh Đế (Quan Vân Trường) có nội dung sau: Cái thiên, cổ phật, trung nghĩa nhân dũng, quan thánh đế quân thần vị (Dịch nghĩa: Bài vị ví Quan Thánh Đế (Quan Vân Trường) như trời, như phật. Hội tụ Trung, Nghĩa, Nhân, Dũng).

         Di tích Đền Quan Công với trên 100 năm tồn tại, là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng cư dân ở phố cổ Đồng Văn. Kiến trúc ngôi đền gắn bó mật thiết với kiến trúc của khu phố cổ Đồng Văn.

         Lễ chính của đền vào ngày 13/5 âm lịch hàng năm. Nhân dân làm lễ cúng đầu lợn (thông thường mổ lợn tại đó hoặc mua đầu lợn về để cúng). Khi tổ chức cúng thần Quan Công xong, tất cả những người dự buổi lễ tổ chức thụ lộc ngay tại sân đền. Ngoài ra, vào các dịp mùng 1 và ngày rằm hàng tháng bà con trong vùng thường đến lễ đền, cầu cho mưa thuận gió hoà, làm ăn may mắn.

         Đền Quan Công được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2013.

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 37
  • Trong tuần: 3 766
  • Tất cả: 1142357

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay