image bannerimage banner
Cơ sở cách mạng Đường Thượng
Cỡ chữ Tương phản
Cơ sở cách mạng Đường Thượng nằm trên đỉnh núi Cờ Cải, thôn Cờ Cải, xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, có độ cao 1.065m so với mực nước biển.
anh tin bai

Toàn cảnh xã Đường Thượng

         Tháng 9/1939, phát xít Đức, Ý, Nhật gây ra chiến tranh thế giới thứ II. Ở Hà Giang, chính sách cai trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật làm bần cùng thêm cuộc sống vốn đã kiệt quệ của đồng bào các dân tộc. Những thủ đoạn đàn áp, cướp bóc của thực dân, phát xít càng khơi thêm ngọn lửa căm thù của các tầng lớp nhân dân đối với chúng. Vì vậy, bất chấp khủng bố, bắt bớ, tù đầy, nhân dân Hà Giang vẫn bí mật bắt liên lạc và gây dựng những cơ sở đầu tiên của phong trào cách mạng địa phương, chuẩn bị bước vào thời kỳ đấu tranh quyết liệt với quân thù, giành chính quyền về tay mình.

         “Thực hiện nghị quyết lãnh đọa của xứ ủy Bắc Kỳ và liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, nhiều cán bộ Việt Minh từ Cao Bằng sang vận dộng cách mạng, xây dựng, mở rộng  phong trào ở Hà Giang và khai thông đường liên lạc “Tây Tiến” qua Hà Giang - Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Năm 1943, đồng chí Đặng Việt Hưng là người phụ trách căn cứ cách mạng ở giáp ranh 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang”.

anh tin bai

Di tích Đồn Đường Thượng

         Tháng 6/1943, đồng chí Việt Hưng đã được đồng chí Hạ Xúa Trứ, sinh năm 1911, dân tộc Mông, xã Đường Thượng đón từ thôn Bản Kẹp, xã Minh Sơn (Bắc Mê) về xã Du Già (Yên Minh) hoạt động. Để đảm bảo an toàn cho đồng chí Việt Hưng cũng như sự phát triển cơ sở Đảng, các đồng chí tại cơ sở chọn Du Già làm căn cứ. Vì Du Già là xã vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, tránh được sự theo dõi của thực dân Pháp cũng như bè lũ tay sai hòng tiêu diệt cơ sở cách mạng của ta. Đồng chí Việt Hưng nghỉ tại gia đình ông Vàng Chúa Sáu, thôn Giàng Trù A, xã Du Già, huyện Yên Minh. Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10/1943, đồng chí Việt Hưng nhận thấy Du Già không thuận tiện cho việc hoạt động và phát triển cơ sở cách mạng nên đã chuyển sang Đường Thượng hoạt động từ tháng 11/1943. Thời gian đầu đồng chí Đặng Việt Hưng chọn thôn Lũng Chè, xã Đường Thượng giáp ranh xã Đường Thượng và Du Già để hoạt động. Đây là vùng rừng núi có địa hình hiểm trở, kín đáo, tránh được sự theo dõi của kẻ thù, mặt khác lại thuận lợi cho việc tuyên truyền cách mạng và phát triển đội du kích của ba xã Đường Thượng, Lũng Hồ và Du Già.

         Trong quá trình hoạt động, thực dân Pháp và bè lúc tay sai lùng sục gắt gao, đồng chí Việt Hưng tiếp tục chuyển địa điểm hoạt động để đảm bảo an toàn. Ông Hạ Xúa Trứ là người trực tiếp mang cơm, cung cấp tin cho đồng chí Việt Hưng và lựa chọn gia đình ông Hạ Chúa Phủng, thôn Cờ Cải, xã Đường Thượng là nơi trú ẩn và hoạt động. Thôn Cờ Cải thời kỳ đó có 6 hộ dân tộc Mông sống rải rác, với 3 dòng họ chính như: Họ Hạ, họ Mua và họ Ly. Để hoạt động cách mạng được thuận lợi, đồng chí Việt Hưng đã phải hóa trang và để tóc dài giống phụ nữ, khi xuống chợ hay qua các thôn bản khác hoạt động, ông được bà Hạ Thị Xúa cho mượn váy, áo hóa trang giống phụ nữ Mông và đóng giả là chị em với bà Xúa. Qua một thời gian hoạt động bị thực dân Pháp phát hiện, đồng chí Việt Hưng phải di chuyển lên hang Pà Chớ ở đỉnh ngọn núi Cờ Cải để ẩn náu và tiếp tục hoạt động. Ở đây đồng chí ít khi ra ngoài, việc nắm bắt thông tin và chỉ đạo phong trào cách mạng đều thông qua ông Hạ Xúa Trứ, Hạ Chủ Lử (anh trai bà Hạ Thị Xúa). Trong sinh hoạt hàng ngày, bà Hạ Thị Xúa, Mua Thị Sau, ông Trứ, Lử là người đưa cơm, liên lạc.

         Phong trào cách mạng ngày càng được củng cố và lan rộng, tháng 7/1944 đồng chí Việt Hưng và đồng chí Hoàng Long mở rộng căn cứ cách mạng sang các xã Thái An, Lùng Tám, Đông Hà, Cán Tỷ, Thanh Vân và Quyết Tiến (Quản Bạ). Đồng chí Việt Hưng chỉ đạo đội du kích đánh phát xít Nhật tại cầu Tráng Kìm (Quản Bạ) ngày 30/4/1945, tiêu diệt được 40 tên lính, sỹ quan Nhật và tay sai, thu nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm.

         Cơ sở cách mạng Đường Thượng là cơ sở quan trọng ở khu vực các huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Hà Giang thời kỳ tiền khởi nghĩa. Cơ sở này đánh dấu quá trình hoạt động cách mang của đồng chí Việt Hưng nói riêng và của đồng bào các dân tộc nói chung trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp thời kỳ tiền khởi nghĩa. Quá trình hoạt động của đồng chí Việt Hưng đã giác ngộ đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia phong trào cách mạng đứng lên đánh đổ thực dân Pháp, phát xít Nhật cùng các thế lực phản động trong và ngoài nước.

         Cơ sở cách mạng Đường Thượng được xếp hạng di tích cấp Tỉnh năm 2014.

Vĩnh Thái

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 615
  • Trong tuần: 5 700
  • Tất cả: 1097478

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay