Trang phục của người Pu Péo đã và đang có những biến đổi cả trong chất liệu may mặc cũng như kiểu dáng. Xưa kia, người dân bao giờ cũng may y phục bằng vải bông tự dệt và nhuộm chàm; ngày nay, hầu hết đều mặc vải công nghiệp. Cho đến nay, trang phục của họ vẫn chủ yếu được phân loại theo giới tính và tình trạng hôn nhân (đối với phụ nữ), không thấy có hiện tượng phân biệt theo vị thế xã hội hay nghề nghiệp. Các thầy bói khi hành nghề cũng chỉ bận bộ y phục thường ngày chứ không có trang phục riêng.
Nam giới Pu Péo từ lâu đã không còn biết đến bộ y phục truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, những người lớn tuổi chỉ mặc quần áo đen như nam giới các dân tộc khác ở trong vùng: Quần chân què lá toạ, đũng và ống đều rộng: áo bà ba, cổ đứng, có hai hoặc ba túi. Riêng thanh thiếu niên đã chuyển hẳn sang mặc âu phục hàng ngày. Xu thế này ngày càng tăng nhanh và phổ biến hơn.
Tuy nhiên, các đặc trưng văn hoá dân tộc Pu Péo cơ bản vẫn được bảo lưu ở trang phục phụ nữ. Nữ giới Pu Péo mặc váy dài hình ống màu đen, gấu xoè rộng nhưng không xếp nếp như váy phụ nữ Mông. Thân váy Pu Péo không được trang trí, nhưng phần gấu váy (5cm) bao giờ cũng được viền bằng một dải hoa văn hình học (hình tam giác và hình vuông) đáp bằng những miếng vải nhiều màu. Bên ngoài váy, người ta còn choàng thêm cá tấm vải ở cả đằng trước và đằng sau, vừa để cho ấm hơn, vừa với mục đích trang trí. Trước kia, phụ nữ thường mặc hai áo, áo ngoài dài, áo trong ngắn. Chiếc áo ngoài xẻ ngực, không có cổ và khuy; khi mặc, người ta khép hai vạt trước lại và cột bằng hai sợi dây nhỏ gắn ở hò áo. Các dải gấu và hò áo ngoài cũng được trang trí bằng những dải hoa văn hình vuông, hình tam giác hay hình quả trám, cổ tay áo được viền những khoang vải màu. Chiếc áo ngắn xẻ nách, cài khuy bên nách phải giống như áo của phụ nữ Hoa. Hò và ống tay áo ngắn được viền vải màu, nhưng không trang trí các dải văn hình học thường thấy ở váy hay áo ngoài.

Thiếu nữ Pu Péo thường vấn tóc quanh đầu, bên ngoài quấn một vành khăn màu tím sẫm. Các thiếu phụ búi tóc trước trán, trên giắt một chiếc lược gỗ to bản, song lược được gọt cong hình hai chiếc sừng; trong các dịp lễ tết hay trường hợp phải giao tiếp xã hội, họ đội thêm một tấm khăn vuông được trang trí bằng các đồ án hoa văn hình học (văn hình ô trám, hình tam giác, hình vuông) nhiều màu, xếp liền nhau. Theo một số nhà dân tộc học, các đồ án hoa văn hình học được thực hiện bằng phương pháp chắp ghép vải là tàn dư của văn hoá du mục, khởi nguồn từ việc chắp ghép các mảnh da thú thành y phục. Sau này, mặc dù đã chuyển sang may mặc bằng vải bông, người ta vẫn giữ được các kỹ năng nguyên thuỷ, nhưng chỉ để thực hiện các đồ án trang trí. Riêng chiếc lược trang trí trên búi tóc của các thiếu phụ Pu Péo luôn gợi cho chúng ta sự liên tưởng cách vấn khăn của phụ nữ Si La và cổ xưa là những hoa văn hai đầu thú gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Trong bộ y phục Pu Péo, không thể không kể đến đôi giày vải của cả nam và nữ. Giày của nam giới xưa kia được khâu đế giày, mũi tù và không trang trí; giày của phụ nữ có đế mỏng, mũi cong, trên mu thường có hoa thêu. Loại giày này phổ biến ở hầu hết các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Các kiểu giày tự khâu thường không bền, vì vậy, ngày này họ đã chuyển sang dùng giày vải công nghiệp.
Đồ trang sức bằng bạc của người Pu Péo chủ yếu chỉ thấy ở phụ nữ. Ngoài các trang trí trên vải (váy, áo, khăn) và chiếc lược (với các thiếu phụ), họ mang nhiều vòng tay, vòng cổ, dây chuyền và nhẫn. Bình thường, nam giới Pu Péo không mang đồ trang sức, chỉ trong các dịp lễ tết họ mới đeo một chiếc vòng tay giản dị, trong ngày cưới, họ đeo thêm một chiếc vòng cổ. Những người già sau khi làm lễ lên lão (xưa thường 55 tuổi, này 60 tuổi), luôn mang vòng tay. Tuy nhiên, trong trường hợp này chiếc vòng mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng liên quan đến chu trình vòng đời (trừ tà ma) hơn là chức năng trang trí.
Xuân Đôn