Loại hình nhà ở cổ truyền của người Lô Lô Đen ở Lũng Cú là nhà đất trình tường, ba gian hoặc năm gian. Nhà thường dựa lưng vào núi và quay mặt xuống sông suối hoặc thung lũng. Đồng bào đặc biệt kiêng không làm nhà quay mặt về phía hang hốc, bởi làm như vậy, của cải sẽ ra đi mà không quay trở lại. Ngôi nhà của người Lô Lô Đen mang trong nó hơi thở hoang sơ của vùng cao nguyên đá lạnh giá ở việc tận dụng những vật liệu sẵn có của tự nhiên, như đất, đá và gỗ…

Người Lô Lô Đen lợp mái nhà (pá) bằng loại ngói đất nung tự làm có tên là đe. Ngói được làm từ đất trộn với nước và một vài vật liệu khác, rồi nặn theo khung tạo thành một hình trụ rỗng, đường kính khoảng 20cm, cao từ 20 đến 25cm. Mỗi khối hình trụ rỗng sau khi phơi khô ngoài trời sẽ được bổ đôi theo chiều dọc tạo hình hai viên ngói. Tạo hình xong, ngói được nung dưới nhiệt lượng của củi khô rồi mới đem lợp. Người Lô Lô Đen lợp ngói bằng cách đặt một viên úp và một viên ngửa. Làm như vậy, không chỉ giữ cho viên ngói cố định trên mái nhà, mà còn tránh đọng nước mưa và những con gió lốc. Kỹ thuật làm ngói cũng như lợp ngói của người Lô Lô Đen cho thấy đồng bào không những giỏi thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mà còn thể hiện một khả năng sáng tạo, lao động cần mẫn của cư dân nương rẫy sống nơi vùng cao hẻo lánh. Với kiểu ngói đặc trưng như vậy, dĩ nhiên mái nhà không được quá dốc, vừa đủ để giữ cho ngói cố định, vừa tương xứng với sức đỡ của bức tường đất. Tường nhà (chang) được làm bằng sự kỳ công không kém. Những bức tường dày khoảng nửa mét hoàn toàn được làm từ đất đã thể hiện một kỹ thuật độc đáo.

Muốn trình tường, trước hết người đàn ông Lô Lô Đen sử dụng một khuôn trình tường làm bằng gỗ với chiều dài 2m, chiều rộng khoảng 0,5m và rỗng ở hai mặt đáy. Đất chọn để trình tường phải là đất set có lẫn một số tạp chất khác như sỏi, vỏ ốc, hến hoặc được trộn thêm với rơm rạ băm nhỏ hay tro bếp. Thường là trong quá trình san nền, phần đất thừa ra sẽ được dùng để trình tường. Đất được trộng với nước nhưng rất ít và không giống với cách trộn bùn với rơm để làm tường nhà như của người Việt. Đất sau khi được nhào nặn kỹ sẽ được cho vào khuôn trình tường đặt ở vị trí đã định trước và được làm trình tự từ ngoài vào trong, từ dưới lên tren. Sau khi cho đất vào khuôn, người ta đứng vào trong khuôn dùng chày để nện và lèn đất cho chặt.
Trong quá trình dựng nhà, người Lô Lô Đen chỉ sử dụng duy nhất một khuôn, cố định xong khuôn này mới nhấc ra tiếp tục làm khuôn khác. Công đoạn cuối cùng khi trình tường là dừng bàn xoa nhúng nước, xoa đều lên tường nhằm cố định các khuôn đất lại với nhau.
Quá trình dựng nhà của người Lô Lô Đen không giống như một số tộc người khác, họ bắt đầu từ khâu san nền, trình tường ½ ngôi nhà rồi mới dựng cột, sau đó trình tường tiếp và lợp mái.
Người Lô Lô Đen sử dụng một số dungj cụ vẫn dùng làm đất như cuốc, vồ đập… để tiến hành công việc san nền. Đồng bào trình tường ngay trên mặt đất mình đã san chứ không làm móng đá như một số dân tộc khác, vì thế, công việc san nền đơn giản hơn.
Nền nhà của người Lô Lô Đen là loại hình nền đất, bằng phẳng. Cột nhà (pa) là loại cột kê có tiết diện tròn, dày gần một gang tay. Cột dựng nhà cũng như gỗ để làm gác xép phần lớn đều được mua từ bên kia thế giới. Nơi đây khí hậu rất khắc nghiệt, núi đá chiếm diện tích lớn, rất ít loài cây gỗ sống được, chủ yếu là cây thông. Gỗ dựng cột không được lấy trong khu rừng cấm và phải được chính chủ nhà mang về, ông cũng là người dựng chiếc cột đầu tiên.
Người Lô Lô Đen dựng cột ở gian giữa rồi mới dựng cột ở các gian bên. Nếu là nhà ba gian, số cột sẽ là 12 (chưa tính hàng cột ở hiên), bao gồm hai hàng cột chạy theo chiều dọc ngôi nhà, mỗi hàng bốn chiếc và bốn hàng cột ngang (gồm hai hàng cột gian giữa và hai bên vách đầu hồi), mỗi hàng ba chiếc. Cột chính thường cao từ 6 đến 8m, các cột còn lại thấp dần đều cho tới 2m. Cột và xà ngang (xi pa) ở gian giữa sẽ tạo thành bộ vì kèo chính trong ngôi nhà. Điểm đặc biệt ở nhà người Lô Lô Đen, kết cấu vì kèo là vì nóc mái sau dài hơn vì nóc mái trước và sự vắng mặt xà nách liên kết các cột con. Do có kết cấu vì kèo ba hàng chân nên số cột trong một bộ vì khèo chỉ có ba chiếc, gồm một cột cái chạy thẳng từ mặt đất tới điểm giao nhau giữa hai vì nóc và hai cột con hai bên. Cột được liên kết với vì nóc bằng kết cấu mộng sập. Liên kết các cột dọc là hau xà ngang kép, một xà thượng và một xà hạ. Xà thượng gồm hai thanh ngang và xà hạ có ba thanh ngang. Hệ thống xà này được giữ cố định trên cả ba cột bằng các kết cấu mộng xuyên. Do vì nóc mái sau dài hơn vì nóc mái trước nên xuất hiện thêm một cột trốn chạy từ vị trí chính giữa vì nóc mái sau xuống trung điểm của hai xà ngang bên dưới, có tác dụng làm cột trụ cùng với cột chính và cột con đỡ mái sau.
Điểm đặc biệt dễ nhận thấy ở ngôi nhà người Lô Lô Đen là hàng cột ở hiên nhà (tăn puông) còn được đục mộng cho các xà ngang trong nhà xuyên qua, tạo thành phần gác xép ngoài hiên, tiếp nối với phần gác xép trong nhà. Một số nhà khá giả còn thêm hai mái phụ, lợp ngói nhô lên ở phần hiên, tạo thành một kiến trúc khá độc đáo.
Ngôi nhà người Lô Lô Đen ít chạm chổ hoa văn, ngoại trừ phần xà ngang bên dưới (xà hạ) đâm từ trong nhà ra các cột ngoài hiên: hoa văn hình rồng, cá và chim. Do là một hệ thống xà ngang kép gồm ba thanh gỗ được ghép liền với nhau, nên thông thường, rồng được chạm khắc ở giữa, còn cá và chim ở vị trí bên trên và bên dưới. Nét chạm khoẻ khoắn, thô mộc, đơn giản, loe rộng dần về phía chân, người thợ chỉ chú ý vào hình dáng con vật chứ không đi sâu vào chi tiết. Những hoạ tiết này không đơn thuần chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan sâu sắc của người Lô Lô Đen.
Nhà của người Lô Lô Đen chỉ có một cửa chính (chò cộ) mở ở gian giữa/gian khách, trông thẳng vào bàn thờ. Ngoài cửa chính, ngôi nhà Lô Lô Đen còn mở một cửa phụ (chò cộ nè) ở gian bếp. Cánh cửa làm từ gỗ, được gắn vào một khung gỗ khác trên tường bằng bản lề hay sử dụng kết cấu mộng xoay. Gác xép có nhiều ô vuông nhỏ đục trên tường trông giống lỗ thông gió. Thực chất những ô vuông kích thước khoảng một cẳng tay - đó chính là dư ảnh của lỗ châu mai phòng thủ ngày trước, khi người Lô Lô Đen luôn phải đối mặt với nạn thổ phỉ hoành hành.
Nhà của người Lô Lô Đen được chia thành ba gian hoặc năm gian, tuỳ theo số lượng thành viên trong nhà. Giống như nhiều tộc người khác, người Lô Lô Đen kiêng không làm số gian chẵn. Giữa các gian là vách ngăn bằng gỗ (cho pì) có mở một cửa nhỏ để ra vào. Nơi linh thiêng nhất của ngôi nhà chính là gian giữa/gian khách (pu pê), đồng bào đặt bàn thờ tổ tiên; gian này còn là nơi ngủ của vợ chồng chủ nhà.
Bàn thờ (mồ tê) của người Lô Lô Đen được làm đơn giản, là một giá gỗ được gá vào tường một cách chắc chắn. Trên đó, người Lô Lô Đen khắc hình nhân bằng tre hoặc gỗ - tượng trưng cho những người được thờ cúng. Vị trí, thứ bậc xa gần của các hình nhân được sắp xếp theo thứ tự từ trái sang phải. (Những người chết không bình thường như bị giết, tai nạn… thì được thờ cúng tại một bàn thờ riêng ở gian bếp). Trên bàn thờ thường có bát hương, rượu, bùa phép hoặc chân gà ngâm rượu qua mỗi lễ cúng được gác lại trên đó.
Dưới bàn thờ tổ tiên là bộ bàn ghế đơn giản dùng để tiếp khách và một chiếc giường nhỏ làm nơi ngủ của vợ chồng chủ nhà. Nói chung, đồ đạc ở gian này được sắp xếp khá sơ sài; phần lớn đồ dùng sinh hoạt trong gia đình được để ở gian bếp.
Nằm phía bên trái gian khách là gian bếp (mì thá) với bếp nấu ăn được đắp đất giống như bếp lò nhưng lại đung bằng củi. Trên bếp lò là một giá bếp nhỏ làm bằng tre mắc lên xà ngang dùng để tích trữ hạt giống, đựng gia vị, sấy khô các loại thịt… Gian bếp là nơi để đồ dùng nấu ăn, lương thực, thực phẩm khô và một số vật dụng sinh hoạt khác. Bên phải gian khách thường là buồng ngủ của những đôi vợ chồng trẻ, còn gọi là buồng con dâu (tắng).
Cầu thang (đu thí) lên gác xép bao giờ cũng đặt ở gian bếp. Số bậc thang đối với đồng bào Lô Lô Đen phải là số lẻ, thường từ 9 đến 11 bậc. Cầu thang được làm bằng gỗ khá kiên cố, cố định vào phần cửa mở trên gác xép. Gác xép (lù sáng) thường được làm đơn giản, chỉ là những tấm gỗ dày xếp khít nhau trên xà ngang (xà hạ), là nơi cất trữ ngô, lúa sau khi thu hoạch và là nơi ngủ của những thành viên khác trong gia đình, hoặc là chỗ ngủ của khách. Gác xép của đồng bào Lô Lô Đen bao trùm toàn bộ mặt bằng ngôi nhà, chứ không phải là loại gác xép chỉ có ở hai gian chái như một số tộc người khác.
Mỗi gian nhà là một không gian khép kín riêng biệt bởi các vách ngăn bằng gỗ. Điều này chứng tỏ xưa kia, người Lô Lô Đen có rất nhiều lễ nghi cũng như những phép tắc kiêng kỵ đối với từng thế hệ, từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là sự phân biệt và kiêng kỵ về giới tính. Ngày nay, những kiêng kỵ trên đã mai một dần, nhưng đồng bào Lô Lô Đen còn giữ được nhiều tập tục cổ truyền xung quang việc dựng nhà.
Ngoài ngôi nhà chính, cổng nhà (chò mè) và hàng rào đá (lu vàng) của người Lô Lô Đen là một kiến trúc khá độc đáo, phản ánh rõ nét điều kiện tự nhiên, cung cách ứng xử của con người nơi đây với tự nhiên cũng như nhu cầu phòng thủ và tự vệ rất cao. Cổng nhà được tạo bởi một khung gỗ dựng khá chắc chắn vào hàng rào bằng đá hoặc đất và có mái che lợp ngói đất nung. Hai cánh cổng làm từ gỗ, có chốt đóng mở. Cùng với cổng nhà, hàng rào đá bao quanh nhà tạo cho ngôi nhà Lô Lô Đen một vẻ kiên cố. Người Lô Lô Đen có kỹ thuật xếp đá riêng của mình khiến cho hàng rào vừa chắc chắn lại vừa mang tính thẩm mỹ cao. Đồng bào thường chọn những vỉa đá xanh trên núi cao, địu về nhà và để nguyên không hề gọt đẽo, rồi xếp lần lượt theo thứ tự từ dưới lên trên. Lớp dưới cùng bao giờ cũng là những phiến đá to, khá bằng phẳng và dày, lớp trên cùng nhỏ dần. Đá được đặt nằm nghiêng, tạo ra he hở chênh nhau một khoảng cách vừa đủ để xếp hòn đá tiếp theo, giống như cách kết hợp của những hình lục lăng để tạo thành một mặt phẳng.
Ngoài ra, không gian sinh hoạt của người Lô Lô Đen còn bao gồm sân (tàng gó), vườn (khuế chú), chuồng bò (nhỉu thằng), chuồng lợn (vò thằng), nhà để củi, bể nước,… Chuồng lợn và chuồng bò được làm khá kiên cố, thường bố trí ở trước nhà, phía gian bếp. Cạnh chuồng là mảnh vườn nhỏ, trong đó đồng bào trồng những loại rau ăn theo mùa. Vườn được quây kín bởi hàng rào tre có một cửa nhỏ bằng phên tre để ra vào. Phía Tây ngôi nhà, đồng bào thường để nông cụ, gỗ hoặc quan tài dự phòng. Bể nước được xây dựng kiên cố cạnh gian bếp, nhưng không phải nhà nào cũng có. Đồng bào thường sử dụng nước lấy từ một cái đầm lớn trước nhà làm nước sinh hoạt, chỉ khi nào đầm cạn nước, họ mới dùng đến bể.
Như vậy, người Lô Lô Đen vẫn bảo lưu gần như nguyên vẹn bản sắc riêng của tộc người mình ở quần thể kiến trúc nhà ở - cổng - hàng rào - sân - vườn, đặc biệt là với những nguyên liệu mang đậm dấu ấn của khí hậu, địa hình và thổ nhưỡng vùng cực Bắc Tổ quốc.
Nguyễn Nhung