image bannerimage banner
Chạm khắc bạc trên Cao nguyên đá
Cỡ chữ Tương phản
Theo chân các nhà khoa học trong chuyến khảo sát tại Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tôi có thời gian ghé thăm thôn Lao Xa, xã Sủng Là (huyện Đồng Văn) để được lắng nghe những chia sẻ của các nghệ nhân về nghề truyền thống - chạm khắc bạc.

          Là nơi sinh sống lâu đời của hơn 100 hộ gia đình người Mông, Lao Xa được du khách ghé đến nhiều nhất vào mỗi độ Tam giác mạch khoe sắc. Nhưng chắc hẳn, trong những du khách đến với Lao Xa, ít ai biết nơi đây là một trong những cái nôi của nghề chạm khắc bạc trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

anh tin bai

Bộ xà tích dành cho cô dâu trong ngày cưới

anh tin bai

Bộ kiềng dành cho phụ nữ

         Nghệ nhân Mua Sè Sính là một trong những người còn giữ lửa của những lò luyện bạc tại Lao Xa. Ông cho biết, nghề chạm bạc của ông được truyền từ đời cha, ông. Theo ông, mùa làm bạc thường bắt đầu từ tháng 10 (âm lịch) đến ra Tết. Việc chạm bạc, chế tác bạc chia làm nhiều công đoạn từ lên khuôn, chạm bạc và trang trí. Mỗi người sẽ đảm nhiệm một công đoạn khác nhau từ nấu chảy nguyên liệu, đổ khuôn, tạo dạng thô, gò nét, chạm khắc, mài dũa, đánh bóng ….để cho ra một sản phẩm độc đáo, tinh xảo.

         Các sản phẩm bạc của người dân Lao Xa vừa tinh tế lại vừa phong phú về chủng loại, mẫu mã như: nhẫn, kiềng, vòng cổ, lắc tay, lắc chân, xà tích, bộ dụng cụ trang điểm... Điều đặc biệt là các sản phẩm bạc, dưới bàn tay tỉ mỉ và khéo léo của người nghệ nhân, được chạm khắc những hoa văn mang đậm nét văn hóa của đồng bào Mông với những hình thù: con bướm, hình bông hoa hay những chiếc chuông nhỏ. Các món đồ bạc được người dân nhiều dân tộc như Mông, Lô Lô, Dao…sử dụng hàng ngày hay trong các dịp lễ, tết hoặc làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Anh Mua Nỏ Xá, một người con của nghệ nhânMua Sè Sính,  cho biết giá cả các sản phẩm thủ công bạc phụ thuộc vào công sức, mức độ tinh xảo và lượng bạc nguyên liệu cần thiết. Có những sản phẩm đơn giản như chiếc nhẫn, anh chỉ làm trong một buổi sáng là xong, có giá từ 150 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng. Sản phẩm đắt tiền hơn như vòng tay, kiềng chân có thể đến 8 trăm, 1 triệu. Kiềng cổ có thể lên đến hàng chục triệu còn những sợi xà tích nặng trịch và phức tạp làm cả tháng mới xong thì giá bằng cả cái xe máy Nhật.

anh tin bai

Nghệ nhân Mua Sè Sính giới thiệu với thành viên trong đoàn về các dụng cụ chạm bạc

         Nguồn nguyên liệu cũng là một trong những điểm độc đáo của sản phẩm chạm bạc nơi đây. Ông Mua Sè Sính cho biết toàn bộ các sản phẩm đều được làm từ đồng tiền bạc Đông Dương có từ thời thuộc Pháp, chất lượng bạc rất tốt và giá trị cao hơn bạc nguyên liệu thông thường nhiều. Đây là đồng tiền đã nổi tiếng với tác phẩm văn học “Đồng bạc trắng hoa xòe” của nhà văn Ma Văn Kháng.

anh tin bai

Một trong những công đoạn chế tác nhẫn bạc

         Nếu đến với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, bạn hãy ghé thăm thôn Lao Xa, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Mông, cùng thưởng thức và mua về cho mình những món trang sức bạc thủ công về làm kỷ niệm đánh dấu chuyến đi đầy trải nghiệm ý nghĩa.

Nguyễn Nhung

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 321
  • Trong tuần: 5 760
  • Tất cả: 722327

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay