Đá xâm nhập nông Gabro - Diaba ở Séo Hồ
01/11/2021
Cùng là sản phẩm kết tinh của magma nóng chảy từ dưới lòng đất đi lên, các nhà khoa học phân biệt đá phun trào (magma phun ra ngoài trên bề mặt Trái Đất) và đá xâm nhập (magma nằm lại trong lòng đất ở độ sâu khá lớn, tới 1,5km hoặc hơn). Cũng có loại đá xâm nhập ở gần mặt đất hơn - người ta gọi là đá xâm nhập nông.
Đá phun trào do nguội lạnh nhanh nên chỉ tạo thành những tinh thể nhỏ. Đá xâm nhập thường tạo thành những tinh thể lớn hơn, kích thước có khi tới hàng cm. Đá xâm nhập cũng còn được gọi là đá Pluton - bắt nguồn từ Pluto - tên vị thần cai quản Âm Phủ trong thần thoại La Mã. Cũng có loại đá xâm nhập ở gần mặt đất hơn - người ta gọi là đá xâm nhập nông. Đá xâm nhập thành phần bazơ gọi là gabbro, đá xâm nhập nông cũng thành phần đó gọi là diabase.
Trái Đất cấu tạo gồm nhiều lớp, trong đó lớp ngoài cùng gọi là Vỏ Trái Đất. Lớp vỏ này lại gồm có vỏ đại dương, nằm dưới đáy các đại dương, và vỏ lục địa. Đá gabbro là thành phần chính của vỏ đại dương, thường liên quan đến các loại khoáng sản như sắt, đồng, niken..., bản thân nó cũng còn được gọi là “hoa cương đen“ và được sử dụng làm vật liệu xây dựng.
Lộ ra ở Séo Hồ, gần Thị trấn huyện lỵ Đồng Văn, là một số thể nhỏ đá xâm nhập nông - gabbro-diabase - rộng khoảng một vài chục m2, còn khá tươi, cứng chắc, mầu xanh sẫm, nhìn rõ các hạt khoáng vật đặc trưng kích thước 1-5mm. Trên CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn tưởng chừng chỉ có đá vôi và một ít cát, bột, sét kết..., sự có mặt của các thể đá kể trên cũng là một điều thú vị. Cùng với các đá cát, bột, sét kết... chúng minh chứng cho quá trình tách giãn lục địa cổ, xuất hiện đại dương mới ở khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn vào khoảng 250 triệu năm trước.
BQL Công viên địa chất