image bannerimage banner
Dấu ấn lịch sử: Tường thành Cán Tỷ
Cỡ chữ Tương phản
Tường thành Cán Tỷ nằm gần quốc lộ 4C, thuộc thôn Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ và thôn Sán Chồ, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, có độ cao 686m so mực nước biển.

         Thực dân Pháp sử dụng chính sách “chia để trị”. Chúng ra sức chia rẽ các dân tộc, các dòng họ, phân biệt từng vùng, từng dân tộc để lập bộ máy hành chính. Người Tày có các chánh tổng, phó tổng, lý trưởng, phó lý, tổng xã đoàn và hội đồng kỳ mục. Người Kinh chia thành từng phường, xã. Người Hoa chia thành bang. Người Mông chia thành từng giáp do bọn tổng giáp, mã phài, đặt dưới sự kiểm soát của bang tá người Mông. Người Dao bị phân thành dòng họ do quản chiếu đứng đầu.

         Về kinh tế, Pháp chiếm ruộng đất, lập đồn điền, khai thác tài nguyên và các sản phẩm nông lâm nghiệp.          

         Về văn hóa xã hội, thực dân Pháp xây dựng trại giam nhà tù, đồn bốt nhiều hơn trường học. Chưa đủ, Pháp còn cấm đoán nghiêm ngặt việc lưu hành sách báo, nhất là sách báo của Đảng, của Việt Minh, hòng bưng bít sự thật, làm cho nhân dân u mê về chính trị…

         Về quân sự, Pháp duy trì một lực lượng lớn lính khố xanh, khố đỏ và phát triển lính dõng. Phần lớn lính khố xanh, tiểu đoàn khố đỏ được rải rác đóng giữ 10 đồn bốt và tường thành trong tỉnh để dễ bề kiểm soat, cai trị.

anh tin bai

         Do địa hình là núi cao hiểm trở, hai bên là núi đá dựng đứng, quân và dân ta muốn đi lại, giao thương buôn bán… rất khó khăn. Vì vậy, khi thực dân Pháp đánh chiếm được các huyện miền núi phía Bắc Hà Giang, chúng cho xây dựng nhiều đồn bốt, đưa lính gác cai quản. Mặt khác để đảm bảo cho việc cai trị, đồng hóa các dân tộc thiểu số phục dịch và nghe theo chúng cũng như ngăn chặn lực lượng cách mạng Việt Nam đang phát triển rộng khắp trên cả nước, thức dân Pháp đã tiến hành xây dựng một số tường thành ở những điểm xung yếu như: Tường thành Lũng Hồ, Cổng trời Cán Tỷ và tường thành Cán Tỷ…

         Tường thành Cán Tỷ được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1935 – 1940. Thực dân Pháp bắt nhân dân các dân tộc ở các xã Thái An, Đông Hà, Lùng Tám, Tráng Kìm, Cán Tỷ, Quản Bạ,… mỗi gia đình phải cử một người đóng góp từ 10 đến 30 ngày công lao động, lấy đá, đập đá quanh khu vực về để xây; cát lấy dưới sông Miện; vôi được nung ở xã Đông Hà (Quan Bạ) rồi mang về địa điểm xây tường thành.

         Mục đích của Pháp là án ngữ con đường độc đạo từ Hà Giang lên các huyện phía Bắc thông qua tuyến đường này và ngược lại.

         Tường thành Cán Tỷ được xây dựng vào những năm nửa đầu thế kỷ XX, đây là giai đoạn đất nước ta bị thực dân Pháp xâm chiếm, đô hộ, đời sống của nhân dân các dân tộc Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung vô cùng cực khổ. Nhân dân ta phải đóng sưu cao thuế nặng. Tàn các hơn, thực dân Pháp bắt nhân dân ta đi phu, lao dịch xây dựng những công trình quân sự cho chúng. Tường thành Cán Tỷ là một minh chứng hiện hữu cho đến ngày nay trên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc mà nhân dân các dân tộc Hà Giang phải đổ biết bào mồ hôi, nước mắt và cả máu.

         Tường thành Cán Tỷ còn cho chúng ta thấy được nghệ thuật xây đá, xếp đá của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên Hà Giang, đặc biệt là người Mông. Để có bức tường hiên ngang và trụ vững gần thế kỷ, những người thợ lao dịch thời kỳ này đã biết chọn lựa những phiến đá to xếp xuống dưới, chèn những phiến đá nhỏ vào các kẽ rồi cho vữa vôi. Mạch vữa hầu như không bị trùng lặp nên rất chắc chắn. Mặt phẳng của phiến đá được cho ra ngoài tạo bức tường thẳng… Nghệ thuật xây đá, xếp đá đến nay vẫn được đồng bào các dân tộc trên vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn bảo tồn và phát huy.

         Tường thành Cán Tỷ được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2024.

Ban quản lý Công viên địa chất

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 330
  • Trong tuần: 6 549
  • Tất cả: 921340

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay