Đèo Mã Pì Lèng
01/11/2021
Đèo Mã Pì Lèng là đoạn đường đèo hiểm trở bậc nhất trên Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn vốn đã có địa hình vô cùng hiểm trở, nhưng bên cạnh cảnh quan hùng vĩ nơi đây lại chứa đựng nhiều di sản địa chất có giá trị nổi bật.
Dưới chân Mã Pì Lèng - Hùng Cường
Khu vực được cấu tạo bởi các loại đá vôi hình thành trong môi trường biển cách ngày nay trên 415-260 triệu năm. Du khách đến đây có thể bắt gặp nhiều giống, loài cổ sinh như Trùng thoi, San hô, Huệ biển... Đáng chú ý có sự kiện khủng hoảng sinh giới toàn cầu vào cuối kỷ Devon, cách ngày nay khoảng 375-360 triệu năm (gọi là ranh giới Frasni-Famen, với khoảng 19% số họ và 50% số giống cổ sinh bị tuyệt diệt).
Các vận động kiến tạo về sau đã biến khu vực này thành lục địa, gây ra vô số những uốn nếp, dập vỡ trong các loại đá vôi. Cảnh quan hùng vĩ như ta thấy ngày nay là chủ yếu là kết quả của hoạt động đứt gãy sông Nho Quế khoảng từ 32 triệu năm trước đến nay, đặc biệt là khoảng từ 5 triệu năm trước đến nay, cũng như nhiều quá trình địa chất khác như rửa trôi, bóc mòn, san bằng, karst hóa... Hẻm vực sông Nho Quế đoạn qua đèo Mã Pì Lèng dài 1,7km, sâu tới 700-800m, vách dốc 70-80o, được coi là hẻm vực sâu nhất Việt Nam và Đông Nam Á nên từ lâu đã được mệnh danh là ”Đệ nhất Hùng Quan”.
Du khách có thể dừng chân ngắm sông Nho Quế từ đỉnh Mã Pì Lèng
Cùng với các giá trị di sản văn hóa khác, như di tích lịch sử-danh thắng quốc gia Con đường Hạnh Phúc, Tượng đài Thanh niên Xung phong... các di sản địa chất đã góp phần đem lại cho du khách một trong những cảm xúc khó quên nhất về Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
BQL Công viên địa chất