image bannerimage banner
Địa hình mặt trăng
Cỡ chữ Tương phản
Quá trình karst hóa trên CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo nên nhiều dạng địa hình vô cùng phong phú như karst dạng tháp, dạng chóp nón xen thung lũng, hố sụt, rừng đá, hang động... và đặc biệt hơn là “địa hình mặt trăng” - kết quả của hiện tượng hoang mạc hóa đá, thể hiện điển hình nhất ở khu vực xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn.

 

         Điều kiện khí hậu khô lạnh ở độ cao trên 1500m với lượng mưa ít, độ bốc hơi lớn; chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, nhất là về mùa hè; băng giá, sương muối nhiều về mùa đông... là những yếu tố đẩy nhanh quá trình phong hóa vật lý (cơ học), khiến đá vôi nhanh chóng bị nứt nẻ, vỡ nhỏ rồi bị trôi lăn, đổ lở, bào mòn sườn và hạ thấp dần đỉnh, mở rộng dần các thung lũng, tạo nên cảnh quan hoang mạc đá với các khối karst hình nón cân hoặc tháp lệch hết sức độc đáo. Đáng nói là ở Việt Nam cảnh quan karst độc đáo “Địa hình mặt trăng” - “hoang mạc đá” mới chỉ thấy lần đầu trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Góp phần không nhỏ vào quá trình này có thể còn có hoạt động chặt phá rừng, hủy hoại thảm thực vật vốn phải khó và mất thời gian lắm mới có, của con người những năm chiến tranh một vài thập kỷ trước. 

          Thú vị ở chỗ cho dù là “địa hình mặt trăng” - “hoang mạc đá” thì cuộc sống nơi đây vẫn rực rỡ sắc mầu, phong phú âm điệu, thể hiện trong trang phục, tín ngưỡng và văn hóa dân gian của người dân trên miền đá. Và ngày nay khi cuộc sống của người dân đã dần được cải thiện, thì mầu xanh dường như đang dần trở lại với những địa hình Mặt Trăng mầu xám, khô khốc kể trên.

BQL Công viên địa chất

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 260
  • Trong tuần: 6 479
  • Tất cả: 921270

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay