Người Dao ở Hà Giang chiếm 15% dân số trong tỉnh, cư trú chủ yếu ở các huyện Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Bắc Mê, Bắc Quang, Quang Bình, Yên Minh. Là dân tộc định cư ở Hà Giang lâu đời và sống thành làng bản nên người Dao ở Hà Giang cơ bản vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, tiêu biểu như các lễ hội truyền thống, trang phục, tập quán tín ngưỡng, phương thức sản xuất… Người Dao ở Hà Giang có rất nhiều lễ hội như: Nhảy lửa, Quỹa Hiengs (lễ qua năm), Bàn Vương, Cấp sắc và các nghi lễ vòng đời sinh nở, cưới hỏi, tang ma… mỗi lễ hội có những giá trị văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn khi tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Dao.
Nghi lễ Cấp sắc hay còn gọi là lễ Tự cải, tiếng Dao gọi là “Đào cải” được diễn ra trong cộng đồng của người Dao. Năm 2012 nghi lễ cấp sắc của người Dao thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hiện nay nghi lễ vẫn được cộng đồng người Dao duy trì tổ chức. Nghi lễ thường được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới. Đây là lễ đặt tên mới cho người con trai đã trưởng thành của dân tộc Dao, bất kể người con trai nào cũng phải có buổi lễ này mới được tổ tiên và cộng đồng người Dao công nhận là người trưởng thành và được tham gia các các công việc quan trọng của dòng họ. Người nào chưa làm lễ cấp sắc thì cộng đồng người Dao vẫn coi họ là người chưa trưởng thành và không được tham gia họp bàn các công việc lớn của dòng họ. Nghi lễ Cấp sắc được tổ chức ở gia đình người Dao có con trai trong độ tuổi 10 - 16 tuổi và tổ chức ở trên một mảnh ruộng đã gặt lúa hoặc tổ chức ở sân nếu gia đình có khoảng sân rộng. Để tổ chức được nghi lễ gia đình người Dao nào cũng phải có bàn thờ tổ tiên. Đối với những gia đình mà gia chủ làm nghề thầy cúng thì còn phải lập thêm bàn thờ các vị thần tiên. Trước khi thầy cúng đi đến gia đình người tổ chức lễ cấp sắc, thầy cúng phải xin phép thần tiên cho phép gia đình người đó được phép tổ chức nghi lễ cấp sắc. Trước khi tổ chức nghi lễ 01 tháng, gia đình phải đến nhà thầy cúng để nhờ thầy xem ngày, chọn ngày lành tháng tốt cho tổ chức lễ. Thầy cúng ghi tên tổ tiên: ông bà, cha mẹ, ghi tên và ngày tháng năm sinh của người được cấp sắc, cúng xin các vị thần cho phép gia chủ có người con trai được phép tổ chức lễ. Sau khi thầy cúng xem ngày, chọn ngày lành tháng tốt cho gia đình, người bố - trụ cột của gia đình mời anh em, họ hàng đến họp bàn việc tổ chức nghi lễ cấp sắc cho con trai. Gia đình phải chuẩn bị lợn, gà, gạo, rượu để vừa làm cỗ cúng, vừa mời anh em, xóm làng đến tham dự. Trước khi tổ chức lễ 5 đến 7 ngày gia đình cử người đại diện đi mời anh em, xóm làng tới dự. Người tới dự lễ mang theo rượu và mỗi người ủng hộ một ít tiền tùy theo điều kiện từng gia đình. Trước khi diễn ra lễ một ngày, người bố dẫn con trai đến nhà 03 thầy cúng để thắp hương tại nhà 03 thầy, xin phép các vị thần cho gia đình và người con trai ngày hôm sau được tổ chức lễ. Từ nhà 03 thầy cúng về người con trai phải thực hiện ăn chay 03 ngày, không được ăn thịt và phải ngủ ở trên gác, trong thời gian này không ai được động vào người con trai kể cả bố mẹ. Nghi lễ cấp sắc thường diễn ra trong 3 ngày. Buổi chiều ngày đầu tiên 03 thầy đến nhà gia chủ: gia đình đặt 03 quả trứng lên bàn thờ, thắp hương, thầy cúng chính đọc một bài cúng ghi tên các thầy cúng và báo cáo với tổ tiên rằng: Đứa trẻ của gia đình đã đến tuổi trưởng thành, cầu mong các vị thần và tổ tiên cho phép gia đình làm Lễ cấp sắc và phù hộ cho gia đình, phù hộ cho người được cấp sắc. Các thầy cúng trang trí bàn thờ tổ tiên bằng các loại giấy màu dán xung quanh, thầy cúng chính viết tên các vị thần tiên trên trời bằng chữ nôm vào một tờ giấy và dán lên chính giữa bàn thờ. Hai thầy cúng (thầy trái và phải) ghi tên tổ tiên ông bà, bố mẹ và người được cấp sắc cùng những điều răn dạy người con trai vào hai tờ khác và mang dán lên hai bên tờ cúng mà thầy cúng chính vừa dán trước đó. Trang trí xong bàn thờ, 03 thầy cúng đi về nhà của mình và thắp hương xin phép các vị thần, tổ tiên tại nhà mình cho phép được đi làm lễ và cúng xin phép tổ tiên tiếp nhận môn đệ. Sáng sớm ngày thứ hai, các thầy mang chiêng, trống theo bên mình, vừa đi vừa gõ, khi đến nhà tổ chức nghi lễ mới dừng gõ và giao chiêng, trống cho các thầy phụ việc. Ba thầy cúng cúi lạy Tổ tiên 03 lần, đánh trống chiêng mời các vị thần về dự lễ. Các thầy múa 03 vòng trước bàn thờ: trên tay các thầy cầm những thanh kiếm nhỏ (kiếm cổ dành cho thầy cúng). Thầy cúng chính đứng giữa mặc áo màu đỏ, hai thầy trái và phải: một thầy mặc áo màu vàng, một thầy mặc áo màu xanh đọc bài cúng và thể hiện các bước nhảy với ý nghĩa lên đường đi đón tổ tiên, phải xin phép thần linh để qua được các cửa ải, vượt đèo lội suối qua các bản làng để về đúng nhà người tổ chức lễ. Các thầy cúng múa xong, gia đình mang 03 con gà, một đĩa thịt lợn luộc chín, 03 chén rượu bày lên bàn thờ tổ tiên để cúng. Thầy cúng chính báo cáo với tổ tiên, trình bày nguyên nhân tổ chức lễ. Gia chủ và những người đến dự mặc trang phục của dân tộc Dao, người được cấp sắc cùng với bố đẻ ngồi quay mặt vào bàn thờ. Buổi chiều và buổi tối các thầy cúng tiếp tục làm lễ cúng cho đến sáng ngày hôm sau. Các thầy vừa cúng vừa múa kiếm, nhạc của các bài múa kiếm là tiếng trống, tiếng chiêng xập xình vang lên khi rộn rã thúc giục, khi thong thả... Phần nối giữa các bài cúng, các thầy cúng nghỉ ngơi lúc này các cô gái, chàng trai người Dao đến tham dự lễ lại cùng nhau hát các làn điệu dân ca của dân tộc Dao. Buổi sáng ngày thứ ba, các thầy cúng làm lễ cúng ở ngoài sân, báo cáo các vị thần linh và mời các thần về chứng kiến. Sau đó thầy cúng mời các vị thần thụ lễ vật phù hộ cho gia đình, thôn bản luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Cúng xong ngoài trời các thầy cúng vào nhà 03 thầy cúng thắp 03 đèn tượng trưng cho mặt trời chiếu sáng cho chàng trai và thắp đèn mời các vị thần linh về dự lễ chứng kiến cho chàng trai thành người trưởng thành. Sau đó các thầy làm công tác chuẩn bị đưa người được cấp sắc ra sân, trước khi đưa ra sân các thầy làm thủ tục đóng dấu lên trán người được cấp sắc: thầy thứ nhất đóng dấu lên giữa trán đứa trẻ, thầy thứ hai đóng bên trái, thầy thứ ba đóng bên phải. Người được cấp sắc mặc áo đỏ và người nhà đưa người được cấp sắc ra sân, ngoài sân người nhà đã dựng sẵn một sàn bằng gỗ gọi là “đài” cao 2,5m, dài 0,7m, rộng 0,7m. Khi đưa người cấp sắc lên “đài” thầy cúng mang theo 02 quyển sách cúng viết bằng chữ Nôm, người cấp sắc ngồi trên đài hai tay vòng qua hai đầu gối, tay đan ngược vào nhau, cuối “đài” người nhà và thầy giúp việc căng sẵn chiếu, chăn lưới dây thừng thưa, sau khi thầy cúng chính đọc xong bài cúng, thầy cúng thứ hai đứng bên cạnh “đài” lật người cấp sắc một vòng lăn xuống chăn chiếu, các thầy giúp việc cuốn người cấp sắc vào chăn khoảng 5 - 7 phút, khi thầy cúng chính mở chăn ra nếu người cấp sắc hai tay vẫn đan vào nhau thì coi như cấp sắc đã thành công. Thời điểm thầy cúng chính mở chăn chiếu ra cho người được cấp sắc – mang ý nghĩa là người cấp sắc được sinh ra lần thứ hai. Thầy cúng chính cầm dấu đóng vào nơi hai bàn tay đan vào nhau của người cấp sắc, sau đó gỡ hai tay ra. Thầy cúng cầm trên tay hai quyển sách cúng và mở một quyển ra đọc. Đây là lời căn dặn đối với người được cấp sắc: Từ đây khi đã là người trưởng thành người được cấp sắc phải sống có trách nhiệm với gia đình dòng họ, phải sống tốt với xóm làng, không được làm những việc xấu ảnh hưởng đến gia tộc… Đọc xong thầy cúng lấy dấu đóng giáp lai vào hai quyển cúng và đốt một quyển, đốt xong đổ tro vào một ống tre và thả vào 36 đồng tiền cổ cùng một nắm gạo tẻ, sau đó đổ ra một mảnh vải màn, nhặt 36 đồng tiền rồi cuốn đồng tiền vào quyển sách cúng còn lại và trao cho người được cấp sắc cất giữ. Sau này khi người đàn ông này mất đi thì con cháu sẽ chôn quyển sách cúng và những đồng tiền đó theo. Các thầy và người được cấp sắc múa 03 vòng ở ngoài sân: điệu múa tạ ơn các thần linh đã giúp gia đình và người được cấp sắc tổ chức thành công buổi Lễ. Sau đó tất cả mọi người đi vào nhà và múa tiếp 03 bài: Múa thượng, múa trung, múa hạ, mỗi bài múa 03 vòng, điệu múa này ngoài các thầy cúng, người được cấp sắc , còn có một người đeo mặt nạ cùng tham gia múa (đó là người rừng - tổ tiên xưa của người Dao về chứng kiến Lễ cấp sắc), tất cả cùng múa vòng tròn trước bàn thờ. Các thầy vừa cúng, vừa múa kiếm xua đuổi tà ma và cầu mong các thần linh phù hộ cho người cấp sắc cùng gia đình. Hết bài cúng các thầy dỡ bỏ những trang trí trên bàn thờ mang ra ngoài sân đốt. Kết thúc nghi lễ, thầy cúng thắp hương báo cáo với tổ tiên là Lễ cấp sắc đã hoàn thành và bón cho người được cấp sắc một miếng thịt, từ đây người được cấp sắc không phải ăn chay nữa. Trưa hôm sau gia đình làm mấy mâm cơm cảm ơn các thầy cúng và anh em họ hàng .
Lễ Cấp sắc dân tộc Dao thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ là tập quán xã hội có giá trị lịch sử, khoa học và xã hội cao. Nếu người đàn ông Dao nào lúc trẻ gia đình không có điều kiện làm Lễ cấp sắc thì khi về già hoặc khi chết đi gia đình vẫn phải tiến hành làm Lễ cấp sắc cho người đàn ông. Vì người Dao quan niệm: nếu không làm Lễ cấp sắc thì người đàn ông Dao khi mất đi sẽ không gặp được tổ tiên. Với lẽ đó Lễ cấp sắc đã, đang và sẽ tồn tại mãi cùng với sự phát triển của dân tộc Dao. Lễ cấp sắc chỉ tổ chức tại một gia đình nhưng lại thu hút được đông đảo anh em, họ hàng, làng xóm cùng tham gia tạo nên tình đoàn kết, gắn bó anh em và tình làng nghĩa xóm. Việc giáo dục người con trai trưởng thành, người sẽ là trụ cột của gia đình những điều tốt đẹp trong nghi lễ linh thiêng nên có ý nghĩa giáo dục và sự ảnh hưởng sâu sắc. Các nghi thức cúng tế, các điệu múa kiếm, các bài hát dân ca trong lễ cấp sắc đều mang đậm nét văn hoá truyền thống của dân tộc Dao do đó Lễ cấp sắc góp phần tạo nên không gian sinh hoạt văn hoá tinh thần lành mạnh trong cộng đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 6/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã và đang lập kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, trong đó có nghi lễ cấp sắc độc đáo của người Dao. Du khách đến với Hà Giang không chỉ được chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh kỳ vỹ mà còn được hòa mình với các lễ hội, nghi lễ truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang.
Nguyễn Hoài - Sở Văn hóa, TT&DL Hà Giang