Dốc Thẩm Mã
20/10/2021
Dốc Thẩm Mã dài khoảng 5km, kéo từ địa phận xã Vần Chải lên xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn ở độ cao khoảng 1500m trên mực nước biển với nhiều (9) khúc cua uốn lượn giữa “hai bức tường đá” - dấu tích của một đứt gãy trong quá khứ.
Sở dĩ có tên như vậy vì tương truyền rằng ngày xưa người ta cho ngựa thồ hàng từ dưới chân dốc lên, con ngựa nào lên đến đỉnh dốc mà vẫn còn khỏe thì giữ lại nuôi, con nào yếu thở không ra hơi thì đã có chảo thắng cố đợi sẵn.
Ảnh: Sưu tầm
Trên cung đèo này có rất nhiều di sản địa chất lý thú, ấn tượng nhất có lẽ là “vách đá ảo ảnh” - tưởng gần mà lại rất xa - hóa ra Mẹ Thiên nhiên đánh lừa thị giác con người. Song hành cùng với chúng là “nền văn hóa đá” của cư dân bản địa với các ngôi nhà trình tường, hàng rào đá và đặc biệt là kỹ năng canh tác hốc đá của người Mông. Đây là loại hình canh tác nông nghiệp đặc thù, ở nơi đá nhiều hơn đất như Cao nguyên đá Đồng Văn. Người ta tận dụng từng chút đất ít ỏi trong các hốc đá, thậm chí nhiều khi còn phải cõng đất từ nơi khác lên đổ vào các hốc đá, sau đó mới tra ngô, đậu và các loại hoa mầu khác. Ngoài ra họ còn thuần dưỡng và chăn nuôi được nhiều loại gia súc, gia cầm phù hợp với đặc điểm khí hậu và môi trường tự nhiên nơi đây.
Ảnh: Sưu tầm
Và cũng mảnh đất đó đã sản sinh ra những người con ưu tú, như anh hùng lượng lượng vũ trang Sùng Dúng Lù với chiến công tiễu phỉ những năm 50 của thế kỷ trước, không những là niềm tự hào của người Mông mà còn là niềm kính trọng của các dân tộc khác trên Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
BQL Công viên địa chất