image bannerimage banner
Đồng Văn sáng tạo với sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn ở không gian phố cổ
Cỡ chữ Tương phản
         Những năm qua, Đồng Văn là địa phương thu hút đông đảo lượng du khách đến tham quan, lưu trú. Có được điều này là bởi huyện có lợi thế ở vùng lõi Công viên địa chất cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; có những điểm du lịch hấp dẫn như nhà Vương, nhà Pao, đặc biệt cột cờ Quốc gia Lũng Cú, điểm đến mong ước của mỗi người. Góp phần làm nên sức hút cho Đồng Văn còn có công sức của những cán bộ, nhân viên Trung tâm VHTT&DL huyện, những người đã nỗ lực học tập, sáng tạo, xây dựng thành công một sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đó là mang bản sắc văn hóa địa phương giới thiệu với du khách ở không gian phố cổ.

         Mỗi lần lên huyện Đồng Văn, chúng tôi ai cũng háo hức được hòa mình vào không gian phố cổ với nhiều hoạt động văn hóa rất sôi động tại đây. Đều đặn mỗi tối, tại trung tâm phố cổ đều diễn ra các hoạt động văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, do các cán bộ, cộng tác viên của Trung tâm VHTT&DL huyện Đồng Văn thực hiện. Cùng với đó là các hoạt động giao lưu với du khách trong và ngoài nước rất thân thiện. Giữa phố cổ nơi địa đầu Tổ quốc, ngọn lửa trại bập bùng khơi cảm xúc, khiến mỗi du khách đều cảm thấy phấn chấn giữa không gian văn hóa riêng có và đậm chất Đồng Văn này.

anh tin bai

 Du khách thích thú với các hoạt động văn hóa tại không gian phố cổ Đồng Văn

         Trao đổi với chúng tôi, chị Sùng Thị Say, Giám đốc Trung tâm VHTT&DL huyện Đồng Văn, cho biết: Sau khi Trung tâm đi học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động du lịch ở một số nơi, trong đó có phố cổ Hội An về đã tham mưu và từ tháng 8.2022, được huyện cho phép xây dựng, triển khai một sản phẩm du lịch ở phố cổ Đồng Văn. Trung tâm VHTT&DL huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai cho các bộ phận chuyên môn trực thuộc là Đoàn Nghệ thuật, Đội Tuyên truyền lưu động trực tiếp tổ chức thực hiện. Với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, Trung tâm VHTT&DL huyện đã khai thác nhiều giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian bản địa để xây dựng nhiều nội dung biểu diễn phù hợp, giới thiệu với du khách như các điệu hát, múa, nhảy truyền thống của các dân tộc, các trò chơi dân gian của địa phương. Sự nhiệt tình của các cán bộ văn hóa, các cộng tác viên đã tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn, là thứ lôi cuốn đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với phố cổ Đồng Văn mỗi tối.

         Được biết, các hoạt động văn hóa trong sản phẩm du lịch phục vụ du khách tại không gian phố cổ được tổ chức theo hướng xã hội hóa. Đây là cách làm rất sáng tạo và hiệu quả khi anh chị em ngày đi làm, buổi tối tham gia tổ chức không gian văn hóa nhằm giao lưu, tương tác với du khách. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, đốt lửa, thổi khèn, sáo… được du khách rất thích thú. Trước sự nhiệt tình của anh chị em cán bộ văn hóa, du khách đến không gian này rất hài lòng và luôn có sự ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất. Qua đó, là động lực để các cán bộ Trung tâm VHTT&DL huyện có điều kiện duy trì các hoạt động văn hóa mỗi tối ở phố cổ Đồng Văn trong hơn 1 năm qua.

         Anh Sùng Mạnh Hùng, Phụ trách Đoàn Nghệ thuật, Trung tâm VHTT&DL huyện Đồng Văn cho biết: Mỗi buổi tối, đội chúng em gồm 7 - 8 người phục vụ giao lưu văn hóa, văn nghệ từ 19h30 - 22h, các tối cuối tuần từ 19h30 - 22h30. Đa phần anh chị em đều là con em đồng bào dân tộc địa phương, am hiểu văn hóa truyền thống nên khi biểu diễn các tiết mục văn nghệ các dân tộc Mông, Lô Lô, Tày… rất tự nhiên, chân thật, được du khách rất thích. Với tinh thần trách nhiệm, niềm đam mê nghệ thuật, ai cũng mong muốn tạo một không gian thân thiện cho du khách.

         Vào mùa hoa Tam giác mạch hiện nay, không gian phố cổ Đồng Văn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc trở thành điểm nhấn đặc biệt, có sức hút rất mạnh đối với du khách. Chị Lưu Thúy Nga, du khách đến từ Hải Phòng không giấu được sự phấn chấn khi hòa vào không gian văn hóa, văn nghệ phố cổ, chị cho biết: Tôi cùng gia đình lên đây và rất bất ngờ khi tại trung tâm huyện có một không gian văn hóa náo nhiệt, đậm đà bản sắc đến vậy. Đến đây, tôi lần đầu được biết đến các điệu múa truyền thống, sắc áo váy các dân tộc sặc sỡ, các trò chơi dân gian như đánh yến, ném còn, thổi xì đồng, đập bóng.

         Với anh Lê Quang Hữu Phước đến từ Bình Dương chia sẻ: Huyện Đồng Văn đã xây dựng một không gian văn hóa buổi tối ở phố cổ rất hay và lãng mạn, rất bản sắc, không phải địa phương nào cũng làm được như vậy. Những cán bộ văn hóa, người dẫn chương trình cũng rất nhiệt tình, tài năng, đã biểu diễn những tiết mục văn nghệ đậm bản sắc truyền thống và tinh thần dân tộc, đó như là những lời chào nồng ấm, tình cảm của Đồng Văn, khiến chúng tôi rất xúc động khi đứng trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

         Có thể khẳng định, để du lịch phát triển, chỉ có những ưu thế về địa danh thôi chưa đủ, chúng ta cần có những sản phẩm du lịch đặc sắc, phù hợp để thu hút, giữ chân và đưa du khách trở lại trong lần tiếp theo. Việc huyện Đồng Văn xây dựng được các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc địa phương, trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn là điều rất đáng ghi nhận. Đây là một cách làm sáng tạo, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, bám chặt vào văn hóa bản địa để thúc đẩy du lịch phát triển, thu hút khách đến với huyện Đồng Văn.

         Thông qua sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có tại phố cổ Đồng Văn, với cách làm xã hội hóa, nhiều cán bộ, cộng tác viên văn hóa của Trung tâm VHTT&ĐL huyện Đồng Văn có thêm cơ hội rèn giũa, phát huy và nâng cao khả năng nghệ thuật, trở thành những nòng cốt của huyện trong việc khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Đó cũng chính là một trong những cách làm của Đồng Văn nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 27 của Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Huy Toán

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 31
  • Hôm nay: 489
  • Trong tuần: 5 863
  • Tất cả: 906414

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay