image bannerimage banner
Gìn giữ và phát huy “Báu vật” Cao nguyên đá
Cỡ chữ Tương phản
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) là “Báu vật” của Hà Giang bởi sau 3 nhiệm kỳ nắm giữ danh hiệu, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, “Báu vật” ấy đang giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, góp phần đưa Hà Giang trở thành điểm du lịch (DL) mới nổi hàng đầu châu Á.

         Với niên đại khoảng 540 triệu năm, trải qua quá trình kiến tạo và phát triển lâu đời của trái đất, CVĐC được các nhà khoa học đánh giá là nơi có những kiến tạo địa chất điển hình và độc đáo nhất Việt Nam, mang giá trị khoa học cao mà hiếm nơi nào trên thế giới có được. CVĐC có 30 cụm và 139 điểm di sản địa chất, trong đó có 15 di sản địa chất cấp quốc tế, 68 di sản cấp quốc gia. CVĐC có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, hóa thạch có tuổi đời hàng trăm triệu năm và văn hóa độc đáo của cư dân bản địa. Với những giá trị to lớn về lịch sử, khoa học và văn hóa, tháng 10.2010, CVĐC chính thức gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

anh tin bai

 Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) phát triển du lịch từ văn hóa truyền thống dân tộc.

         Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; KT - XH trên vùng CVĐC chuyển mình, giao thông kết nối vùng, khách DL đến đông như trẩy hội. Giai đoạn 2013 - 2023, tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp, bảo trì trên 300 km đường quốc lộ, tỉnh lộ; hoàn chỉnh cơ bản các tuyến liên huyện, liên xã. Cải tạo, nâng cấp, quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe; hoàn thành hơn 40 dự án cấp điện; đầu tư, xây dựng 94 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; triển khai 25 đề tài, dự án cấp tỉnh liên quan đến CVĐC với tổng kinh phí trên 43 tỷ đồng. Hệ thống trường học, y tế từng bước được hoàn thiện. Toàn vùng có trên 150 HTX áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trên 70 sản phẩm đạt Ocop cấp tỉnh. Tổng giá trị sản phẩm của vùng tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2010 - 2023 đạt trên 6%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 6%/năm.

         Xác định phát triển DL thành ngành kinh tế “mũi nhọn” là nhiệm vu trọng tâm, 4 huyện trên vùng CVĐC tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm DL độc đáo. Toàn vùng có trên 5.160 cơ sở thương mại, trên 970 khách sạn, nhà hàng, homestay và gần 650 cơ sở dịch vụ khác. Nhiều sản phẩm DL độc đáo, hút khách được xây dựng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút trên 2,2 triệu lượt khách DL, trong đó trên 70% khách DL đến tham quan, trải nghiệm trên vùng CVĐC.

anh tin bai

 Biểu diễn múa Khèn tại Lễ hội Khèn Mông huyện Đồng Văn năm 2023

         Cùng với phát triển KT - XH, công tác bảo tồn di sản được tỉnh đặc biệt quan tâm: Ban hành các nghị quyết, kế hoạch về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐC, ký kết biên bản ghi nhớ với các CVĐC trên thế giới để phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, tham gia các hoạt động do UNESCO và Mạng lưới CVĐC tổ chức. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển CVĐC vào đề án, kế hoạch phát triển KT - XH; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn di sản bằng nhiều hình thức. Hệ thống di sản được đầu tư, tôn tạo, một số lễ hội dân gian truyền thống và những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng CVĐC được phục dựng, gìn giữ, kế thừa và phát huy gắn với phát triển DL; việc nghiên cứu khoa học về bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học tại vùng CVĐC được quan tâm; công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh về CVĐC được triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả.

         Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành 10 khuyến nghị của chuyên gia tại kỳ tái thẩm định lần thứ II năm 2018 về các vấn đề: Nước sạch, sửa chữa và nâng cấp các biển thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh CVĐC, khai thác, sử dụng hệ thống hang động, xây dựng làng văn hóa du lịch, quản lý các dự án trên vùng CVĐC, cải thiện tình hình tài chính, xây dựng bảo tàng không gian văn hóa các dân tộc Đồng Văn. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, CVĐC tiếp tục xuất sắc vượt qua kỳ tái đánh giá tư cách thành viên mạng lưới lần thứ III năm 2022; khẳng định vai trò quan trọng trong định hướng phát triển KT - XH vùng Cao nguyên đá.

         Để hoàn thành mục tiêu: Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC gắn với phát triển KT - XH, đặc biệt là kinh tế DL, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững; giữ vững danh hiệu CVĐC qua các kỳ tái đánh giá; đến năm 2025, phát triển CVĐC thành một khu DL với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; đến năm 2030, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu DL quốc gia. Tỉnh tập trung hoàn thành một số khuyến nghị của các chuyên gia tại kỳ thẩm định lần thứ III như: Giải pháp thúc đẩy sự chung tay của cộng đồng các dân tộc trong phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên vùng CVĐC; quan tâm, bổ sung nhân lực trong lĩnh vực địa chất, sinh học, marketing và giáo dục cộng đồng cho Ban quản lý CVĐC; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành trong bảo tồn và phát triển CVĐC; tăng cường quản lý và phát huy hiệu quả của Bảo tàng CVĐC; phát triển hài hòa giữa các giá trị di sản tự nhiên và di sản văn hóa; tăng cường quảng bá hình ảnh; tự chủ tài chính để có nguồn thu bền vững từ DL nhằm chủ động trong xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên khu vực CVĐC.

         Cuối tháng 10 này, người dân trên Cao nguyên đá Đồng Văn hân hoan tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ IX, đồng thời đón nhận danh hiệu Thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ III. Niềm vui nối tiếp niềm vui, CVĐC không chỉ góp phần quan trọng trong phát triển KT - XH địa phương, nâng cao đời sống cho cư dân bản địa mà còn đưa hình ảnh Hà Giang vươn tầm quốc tế.

Biện Luân

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 556
  • Trong tuần: 6 654
  • Tất cả: 724538

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay