image bannerimage banner
Hà Giang hướng tới ngày du lịch thế giới
Cỡ chữ Tương phản
 Vào năm 1980, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 27 tháng 9 hàng năm làm "Ngày Du lịch thế giới". Ngày 27 tháng 9 được chọn vì vào ngày này năm 1970, điều lệ của "Tổ chức Du lịch Thế giới" đã được chấp thuận. Việc chấp thuận điều lệ của Tổ chức được coi như mốc lịch sử quan trọng cho ngành du lịch toàn cầu. Mục tiêu của ngày này là để tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong cộng đồng quốc tế và để chứng tỏ cách mà du lịch ảnh hưởng tới các giá trị văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế trên khắp thế giới. 

        Trong thời đại ngày nay khoa học công nghệ kỹ thuật ngày một phát triển đã tạo điều kiện để kinh tế thế giới phát triển nhanh hơn. Các quốc gia đã và đang tận dụng mọi tiềm năng thế mạnh để khẳng định vị trí chiến lược với hướng đi mới. Du lịch với vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, đã và đang là lựa chọn hàng đầu của các quốc gia.

anh tin bai

         Ngành du lịch Việt Nam được thành lập năm 1960, hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Năm 1991, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đã xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng có thể phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế quốc dân và quan điểm đó tiếp tục được khẳng định trong suốt các kỳ Đại hội VIII, IX, X của Đảng. Năm 1994, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về phát triển du lịch trong tình hình mới. Năm 1998, Bộ Chính trị tiếp tục ra Thông báo Kết luận số 179-TB/BCT về tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của đất nước. Ngày 16 tháng 1 năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch. Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước; tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch từ tất cả các thị trường. Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

         Những ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đã tác động trực tiếp tới du lịch toàn cầu, song không vì thế du lịch thế giới nói chung, du lịch Việt Nam ngừng phát triển. Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đã đẩy lùi dịch bệnh, thần tốc với các chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế. Ngày 15/3/2022 Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, mở ra "cơ hội vàng" cho phục hồi phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón 954.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng tháng trong 7 tháng qua đạt 62%/tháng.

         Thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 2/8/2021 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với nhiều nỗ lực, quyết tâm phục hồi sau đại dịch Covid - 19, trong 9 tháng đầu năm 2022, Hà Giang đón 1.525.638 tăng 240% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 102% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022; trong đó 26.022 lượt khách quốc tế, khách nội địa là 1.499.616 lượt người, doanh thu du lịch đạt 3.051 tỷ đồng.

anh tin bai

         Theo tổ chức Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, ngày du lịch thế giới năm 2022 đã trở lại và hướng tới tương lai. Du lịch đã và đang nhận được sự công nhận chính trị và công khai chưa từng có. Việc khởi động lại của du lịch sẽ giúp khởi đầu phục hồi và phát triển. Điều cần thiết là những lợi ích này mang lại sẽ là cơ hội cho nhiều thành phần kinh tế và công bằng. Là địa phương nơi hiện diện của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, với 61 di tích, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, 27 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã và đang là cơ hội mở ra cho ngành du lịch Hà Giang phát triển hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương sống trong đá, thoát nghèo từ đá và tiến tới làm giàu từ đá.

Nguyễn Hoài - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 115
  • Trong tuần: 5 072
  • Tất cả: 701916

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay