image bannerimage banner
Hà Giang nỗ lực trong việc bảo tồn và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn
Cỡ chữ Tương phản
 Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ thông qua các chương trình, dự án và sự hỗ trợ của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN), các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) đã đẩy mạnh việc xây dựng, bảo tồn và phát triển CVĐC nên đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững cho người dân vùng CVĐC.
    

             Dấu ấn 12 năm qua

         Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận thành viên GGN từ năm 2010, ở thời điểm đó là CVĐC đầu tiên được công nhận ở khu vực Đông Nam Á. Sau 3 lần tái đánh giá (2014, 2018 và năm 2022), những giá trị vùng CVĐC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục hoàn thành tốt một số nội dung theo tiêu chí của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN).

         Hà Giang xác định việc xây dựng và phát triển CVĐC có ý nghĩa quan trọng cho việc bảo vệ môi trường sống, tạo lập sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, đa dạng sinh học và môi trường sinh thái - làm cơ sở cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững, từ nhận thức đó Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, Nghị quyết số 14-NQ/TU “Về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC, giai đoạn 2013 -2020, đây là cơ sở để UBND tỉnh và các sở ngành, các huyện vùng Công viên tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó Tỉnh cũng chủ động, tích cực liên kết, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia nằm trong GGN như: Nhật Bản, Malaysia, Pháp, Đức, Canada, Australia... tham gia ký kết biên bản ghi nhớ với 3 CVĐC về phối hợp, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật xây dựng CVĐC. CVĐC đã xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá thành viên mạng lưới vào năm 2014, 2018 và năm 2022.

anh tin bai

Lãnh đạo huyện Đồng Văn đón đoàn chuyên gia thẩm định tại địa bàn huyện Đồng Văn năm 2022

         Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chia sẻ: Những năm qua Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, các bộ ngành, bên cạnh đó với sự nỗ lực khát vọng vươn lên, Hà Giang đã tập trung đầu tư ưu tiên cho cơ sở hạ tầng du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn hướng phát triển bền vững, đồng thời ban hành các cơ chế chính sách để phát triển du lịch dựa trên các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, các di sản, địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên để thu hút khách du lịch, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân bản địa, phát triển kinh tế - xã hội vùng cao nguyên đá, đặc biệt là kinh tế du lịch.

         Trưởng Ban quản lý CVĐC, Hoàng Xuân Đôn, cho biết: “Công viên địa chất toàn cầu" là một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, chứa đựng tập hợp các di sản địa chất và cảnh quan tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục, phát triển bền vững, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử văn hóa, xã hội và có diện tích lớn để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác được UNESCO công nhận”.

         Hiện nay, tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 Công viên địa chất toàn cầu: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đối với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (DVUGGp) nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang, một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc của Việt Nam gồm địa giới hành chính 04 huyện vùng cao phía bắc của tỉnh Hà Giang, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, với diện tích tự nhiên 2,345km2.

anh tin bai

Đoàn chuyên gia chụp ảnh lưu niệm với học sinh tiểu học Đồng Văn năm 2022

         Đến với vùng cao nguyên đá Đồng Văn hôm nay, dễ dàng nhận thấy nhiều bản làng ở vùng CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã có sự thay da đổi thịt nhanh chóng, tiêu biểu như ở huyện Mèo Vạc có Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi; ở huyện Đồng Văn có Làng văn hóa Du lịch Cộng đồng thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, làng văn hóa Du lịch Cộng đồng thôn Ma Lé, xã Ma Lé, Làng văn hóa Du lịch Thôn lô Lô Chải, xã Lũng Cú… đặc trưng kiến trúc truyền thống của người dân bản địa. Nhiều du khách trong và ngoài nước đã chọn Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang là điểm đến hấp dẫn nhất các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, thậm trí nhiều du lịch nói Cao nguyên đá Đồng Văn là điểm du lịch đẹp và hùng vĩ nhất Việt Nam.

         Bà Jitka Hertig, người Thụy Sỹ, một nhà tổ chức tour du lịch chia sẻ: “Con người Hà Giang thân thiện, phong cảnh đẹp và hấp dẫn. Tôi gắn bó nhiều với Việt Nam, ngay từ những năm cuối của thế kỷ trước, chúng tôi đã đưa khách sang Việt Nam. Nhưng vào thời kỳ đó giao thông chưa được thuận tiện và du khách chưa được phép lên khu vực biên giới … Đến nay, du lịch được mở mang, chúng tôi có điều kiện lên Đồng Văn, nơi có nhiều bà con các dân tộc cùng sinh sống. Được giao lưu với họ, chúng tôi thấy rõ những nét văn hoá đặc trưng riêng của từng dân tộc rất độc đáo”. Hay chị Mai Phương, một du khách đến từ Đà Nẵng, chia sẻ: "chị và gia đình đã đi nhiều nơi ở Việt Nam như Sa Pa, Cao Bằng, và đi một số nước khác như Thái Lan nhưng tôi thấy Hà Giang đẹp hút hồn, thiên nhiên hùng vĩ, con người thật thà, tốt tính, lên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn thấy phong cảnh hữu tình, làn sương mù ôm ấp những cánh đồng hoa Tam giác mạch lung linh. Thực sự nơi đây là một điểm du lịch hấp dẫn, nơi đáng sống. Gia đình tôi nhất định sẽ quay trở lại nhiều lần với Hà Giang".

         Trước đây những ai chưa đến Hà Giang sẽ không hiểu hết được những khó khăn, vất vả, bất lợi trong phát triển kinh tế của vùng đất này, địa hình chia cắt, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn và giao thương không phát triển, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nghèo nàn, nhưng đến nay được chứng kiến những đổi thay nhanh chóng của Đồng Văn, đời sống người dân nâng lên rõ rệt, là những người dân bản địa sinh ra và lớn lên trong khu phố cổ của Đồng Văn, người dân được hưởng lợi rất nhiều từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành thành viên GGN, khách du lịch đến với Đồng Văn ngày một tăng, Ông Hoàng Quốc Thân, người dân khu Phố Cổ Đồng Văn cho hay.

         Thực hiện thành công sứ mệnh toàn cầu

         Với sự nỗ lực trong thời gian qua DVUGGp đã thực hiện xuất sắc tất cả các khuyến nghị của Đoàn chuyên gia thẩm định Công viên địa chất toàn cầu Unesco, đã thực hiện thành công sứ mệnh toàn cầu của mình. Chẳng hạn như trong năm 2018 Đoàn chuyên gia khuyến nghị 1: “Quan trọng nhất là tính bền vững trên vùng CVĐC. Lượng nước sạch cung cấp cho khách du lịch của các huyện là khác nhau nên cần nghiên cứu và tính toán lượng khách du lịch tối đa cũng như tác động tiêu cực từ lượng nước thải, chất thải của du khách để làm căn cứ xây dựng kế hoạch du lịch tiếp theo”. Trên cơ sở đó, Hà Giang đã ưu tiên đầu tư xây mới và nâng cấp sửa chữa hệ thống cung cấp nước trên CVĐC TC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 18 công trình hồ treo, 16 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung,  02 công trình hồ chứa đa mục tiêu và nâng cấp sửa chữa các hệ thống cung cấp nước với tổng kinh phí là 577.849 triệu đồng (tương đương 25,3 triệu USD). Đầu tư 03 dự án với tổng dự toán trên 56 tỷ xây dựng hệ thống cấp nước theo công nghệ của PAT - cấp nước cho huyện Đồng Văn không dùng đến điện năng. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là 1 dự án rất được sự ủng hộ từ phía DVUGGp cũng như chính quyền địa phương bởi tính bền vững của nó. Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai một dự án tương tự ở huyện Mèo Vạc. Đồng thời, trong quy hoạch Hà Giang đã dự kiến triển khai thêm mỗi huyện vùng CVĐC ít nhất một dự án tương tự. Khuyến nghị này đã đạt 100% về xây dựng hệ thông cung cấp nước, 90% về chống rác thải nhựa và kiểm soát rác thải. Tuy vậy trong tương lai DVUGGp còn phải có nhiều hành động hơn do nhu cầu, số lượng du khách ngày càng lớn ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng Ban quản lý CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn cho hay.

anh tin bai

Tiết mục biểu diễn văn nghệ của bà con nhân dân bản địa tại khu phố cổ thị trấn Đồng Văn năm 2022

         Tại huyện Đồng Văn, ông Phạm Quốc Lập, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Sau hơn 12 năm bảo tồn và khai thác giá trị của CVĐCTC, đến nay nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC đã được nâng lên rõ rệt. Công tác tuyên truyền được chú trọng triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng để nâng cao nhận thức của người dân, tiêu biểu như trong thời gian qua huyện đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh đề tài Văn hóa - Di sản CVĐC tại 32/32 trường học; tổ chức sân khấu hóa với 20/20 trường hoc thực hiện, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện tổ chức công tác tuyên truyền được 106 buổi, lồng ghép vào các tiết học tuyên truyền được 408 tiết... kết hợp với đó là huyện tập trung cho sửa chữa, thay mới hệ thống biển pano thuộc UBND huyện quản lý; tăng cường công tác tuyên truyền cổ động trực quan; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thường xuyên kiểm tra, sửa chữa và lắp đặt hệ thống bảng biển Thông tin (IP), biển chỉ hướng (HP) và biển đỗ xe (P) tại các điểm dừng chân, bãi đỗ xe. Tăng cường công tác quản lý về quy hoạch xây dựng, công tác quản lý về TN&MT khoáng sản, công tác quản lý di tích, di sản trên địa bàn huyện...

         Sau hơn 12 năm, kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, công tác xây dựng, bảo tồn và phát triển CVĐC đã đạt được những kết quả quan trọng. Hình ảnh CVĐC đã được bạn bè thế giới và người dân trong nước biết đến nhiều hơn, đã có sự đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh Hà Giang nói chung và vùng CVĐC nói riêng có sự tăng trưởng rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng; năng suất lao động tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được cải thiện, góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành một khu du lịch đặc biệt, đại diện cho tỉnh Hà Giang với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia thì Hà Giang vẫn cần tiếp tục triển khai công tác giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, du lịch, vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, di sản địa chất, danh lam thắng cảnh của địa phương. Biến các giá trị di sản thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì sự phát triển bền vững.

Ngọc Đức

 

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 305
  • Trong tuần: 5 730
  • Tất cả: 884294

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay