Đến Cao nguyên đá Đồng Văn, khách du lịch thường mê mải chinh phục những cung đèo uốn lượn, những dãy núi trùng trùng, lớp lớp hay những thôn bản với bản sắc văn hóa đặc trưng nằm trong lòng núi. Hẳn ít ai biết đến trên “vương quốc đá” có những khu rừng hiếm hoi, được người dân gìn giữ khá tốt như Rừng nghiến Cán Tỷ (Quản Bạ); Rừng đa Thiên Hương; Rừng nguyên sinh Vần Chải…
Từ trung tâm huyện Yên Minh, vượt hết con đèo dài gần 10km với những cua tay áo, dốc dài len lỏi quanh núi, khi nhìn thấy thung lũng màu xanh đầy ngô chính là đã tới địa phận xã Vần Chải.
Đường vào Hang Phỉ và Rừng trúc (Ảnh: st)
Rừng nguyên sinh Vần Chải cách trụ sở xã khoảng 2km, con đường bê tông để đến đây chỉ vừa đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Vào giữa khu rừng già là một bản nhỏ của người Mông. Đó là thôn Kho Chớ, nằm yên bình giữa đại ngàn thăm thẳm.
Rừng nguyên sinh Vần Chải rộng khoảng 500ha, ở độ cao khoảng gần 2.000m. Kho Chớ là một thôn được ít du khách biết đến do giao thông đi lại không thuận lợi, nằm lặng lẽ giữa rừng sâu.
Những ngôi nhà ở đây được bao bọc bởi các bờ rào đá đầy rêu phong, nhà trình tường cổ kính của người Mông - một ngôi làng nhỏ ấm áp, yên tĩnh đẹp như tranh vẽ.
Đường vào rừng khó đi hơn với đá lởm chởm, có những đoạn đường phải đi bộ, leo chèo khá vất vả. Những người già trong bản thường dặn khách tránh gọi tên nhau trong rừng già. Đầu khu rừng là một ngôi miếu đã có từ lâu đời, để thuận lợi vào rừng tham quan, người dân địa phương, du khách thường thắp hương xin phép thần rừng.
Rừng nguyên sinh Vần Chải là nơi sinh sống của rất nhiều loài động thực vật quý hiếm (Ảnh: st)
Quần xã rừng nguyên sinh còn tương đối nguyên vẹn, có nhiều gỗ, lâm sản và các loài thuốc quý như: nghiến, thông đá, dẻ, thảo quả, đỗ trọng, nấm hương… Đặc biệt có rất nhiều giống hoa lan, điển hình là lan hài. Nơi đây là môi trường sống của các loài động vật hoang dã với khoảng 50 loài thú, chim, bò sát như: sơn dương, voọc, hoẵng, lợn rừng, cầy hương, sóc, gà rừng, chim, khướu, hoạ mi… tạo nên nét đẹp tự nhiên, sinh động của khu rừng nguyên sinh.
Những hàng rào đá rêu phong cổ kính vẫn còn nguyên vẹn (Ảnh: st)
Kho Chớ còn có các địa danh góp phần làm nên lịch sử của mảnh đất địa đầu tổ quốc, đó là: Rừng trúc, Hang phỉ. Hang phỉ chính là địa danh gắn với một tích xưa. Khoảng những năm 1957 - 1958, Vàng Vạn Ly là thủ lĩnh nhóm Phỉ có tiếng nổi lên chống chính quyền. Sau cuộc nổi loạn thất bại, Vàng Vạn Ly cùng các con trốn vào hang núi, thuộc địa phận xã Vần Chải. Xã đội Trưởng lúc bấy giờ là Sùng Dúng Lù đã tay không vào hang dụ Vàng Vạn Ly ra đầu thú. Từ đó, đồng bảo nơi đây yên tâm sinh sống trên mảnh đất của họ, cũng trả lại cho Đồng Văn sự bình yên và bắt tay vào xây dựng cuộc sống no ấm. Sùng Dúng Lù trở thành người Anh hùng, là hiện thân cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên mảnh đất Cao nguyên đá. Con cháu đời sau mỗi khi đến Hang phỉ đều nhắc nhở nhau luôn nhớ về người anh hùng của dân tộc, dùng chính nghĩa, nhân từ để thu phục giặc.
Ở rừng nguyên sinh Vần Chải như lá phổi xanh được người dân và chính quyền nơi đây gìn giữ khá nguyên vẹn. Để có được những trải nghiệm giữa một không gian thiên nhiên hoang sơ, khoáng đạt, khám phá văn hóa truyền thống còn khá nguyên vẹn của đồng bào Mông, bạn hãy sắp xếp thời gian để đến với Vần Chải một ngày gần nhất nhé!.
Thảo Trần