Cứ mỗi khi năm hết, tết đến cây đào rụng lá, bắp ngô đầy thùng, cũng là lúc người dân đồng bào Mông trên khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang nô nức thay những bộ trang phục đẹp nhất, những trang sức lộng lẫy, đẹp đẽ nhất, những chiếc khèn, chiếc ô được trang trí sặc sỡ để theo chủ nhân đi chơi tết, đó là tết của người Mông hay còn được gọi bằng cái tên khác là lễ hội “Gầu Tào” của dân tộc Mông.
Năm nay lễ hội Gầu Tào huyện Yên Minh được tổ chức vào ngày 11 tháng 1 năm 2024 tại thôn Sảng Pả 1, xã Đường Thượng, huyện Yên Minh với mong muốn cầu cho nhân dân một năm mới mưa thuận gió hoà, khoẻ mạnh, mùa màng tốt tươi, gia súc đầy chuồng, đồng bào sinh sống hoà thuận, gia đình yên vui.
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời phản ánh phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang nói chung là đồng bào người Mông tại huyện Yên Minh nói riêng và cũng được coi là cái tết của đồng bào với quan niệm một năm vất vả đã qua, khi mùa màng đã thu hoạch xong, ngô, thóc đã đầy gác đầy thùng, gia súc gia cầm sinh sôi trong chuồng trại, đất đai cũng được nghỉ ngơi và cũng là lúc người dân lại mời thầy mo, thầy cúng chọn ngày lành làm lễ dựng “cây nêu”, mổ con lợn, thịt con gà để bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn trời đất, cầu mong sơn thần thổ địa phù hộ độ trì ban cho bà con nhân dân một năm mới khỏe mạnh, người người yên vui, các gia đình có con trai nối dõi tông đường để chăm sóc tổ tiên dòng họ, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn, gia súc, gia cầm sinh sôi, phát triển, anh em trong gia đình, làng bản cộng đồng chung sống hoà thuận, mưa thuận gió hoà, không xảy ra thiên tại dịch bệnh.
Đây cũng là dịp các người dân, nam thanh nữ tú sau một năm vất vả đi làm xa có cơ hội gặp gỡ thi tài qua các trò chơi dân gian như đẩy gậy, bắn nỏ, đánh cù, trèo cây nêu… thể hiện một sức khoẻ cường tráng, sự dẻo dai người con núi rừng với mong muốn thu hút các bạn khác giới để nên duyên vợ duyên chồng có đôi có cặp trong dịp tết năm nay, còn các bạn nữ lại thể hiện sự khéo léo dịu dàng trong các điệu xoè, điệu múa, hay sự bền bỉ chịu thương chịu khó qua trò chơi địu nước lên cao, đánh yến, kéo co… xua đi những vất vả, lo toan cả một năm qua, thả lỏng tinh thần để hoà mình với cộng đồng thông qua những điệu cười, tiếng vỗ tay cổ vũ cho các đội thi làm động lực và sức khoẻ tràn đầy cho một năm mới thành công.
Xã Đường Thượng cũng là một trong cung đường du lịch trải nghiệm tuyến số 4 trên khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn thu hút một lượng lớn du khách tới tham quan, trải nghiệm nhất là du khách quốc tế cho nên sự kiện tổ chức lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông lần này đã giúp quảng bá hình ảnh văn hoá đồng bào dân tộc người dân nơi đây một cách thực tế nhất đến du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây ngoài được thấy được các nét văn hoá đặc sắc như trang phục, các đạo cụ, phụ kiện khi tham gia lễ hội hay các trò chơi dân gian mà còn được hoà mình không khí lễ hội với những trò chơi gian dân truyền thống. Đó sẽ là một dấn ấn in sâu trong lòng du khách khi đến với lễ hội Gầu tào dân tộc Mông huyện Yên Minh năm 2024 và cũng là dấu ấn trên cung đường trải nghiệm Cao nguyên đá Đồng Văn.
Một số hình ảnh Lễ hội Gầu Tào huyện Yên Minh
Tiết mục văn nghệ chào mừng khai mạc lễ hội Gầu Tào năm 2024
Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hiêp hội Du lịch tỉnh; BQL CVĐC toàn cầu CNĐ Đồng Văn và các ngành thuộc UBND huyện Yên Minh cùng đông đảo bà con đến tham gia chung vui lễ hội
Thầy cúng làm lễ tạ ơn trời đất, cầu cho năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, bản làng lo ấm
Phần thi gùi nước lên cao đòi hỏi sức bền lẫn khéo léo của các cô gái đồng bào
Phần thi trèo cây nêu lấy thưởng thu hút rất đông khán giả theo dõi và cổ vũ
Phần thi đẩy gậy thể hiện sức khoẻ cường tráng của các chàng trai bản địa
Lễ hội thu hút lượng lớn du khách cũng như đồng bào địa phương đến tham gia cổ vũ
Vũ Phong