image bannerimage banner
Nhìn lại một năm thực hiện kết luận Hội nghị toàn quốc về văn hóa
Cỡ chữ Tương phản
“Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… ấy chính là văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ”. Đó là những luận điểm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Nhìn lại chặng đường một năm thực hiện Hà Giang đã và đang quyết tâm đưa những luận điểm đó vào cuộc sống.

         Là một tỉnh miền núi biên giới, đa sắc màu văn hóa dân tộc vấn đề bảo tồn văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh văn minh, khơi dậy giá trị văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội xây dựng mối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ quan trọng được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang hướng tới.

anh tin bai

         Thực hiện kết luận Hội nghị toàn quốc về văn hóa năm 2021, tỉnh Hà Giang đã ban hành 03 Nghị quyết chuyên đề, 03 kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ về bảo tồn văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh góp phần quan trọng cho nhiệm vụ chấn hưng văn hóa ở địa phương. Một năm nhìn lại, các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo tổ chức, coi đây là hoạt động gắn kết cộng đồng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và hoạt động sản xuất đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh diễn ra trong năm. Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Văn hóa của các dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Hiện nay toàn tỉnh có 03 Bảo vật quốc gia, 61 di tích, danh thắng được công nhận; lập hồ sơ đề nghị công nhận và đưa 27 di sản văn hoá phi vật thể vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Di sản văn hóa hát then đàn tỉnh Tày - Nùng - Thái của 11 tỉnh trong đó có Hà Giang được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các di sản văn hóa ở Hà Giang được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch. Trong năm 2022, Hà Giang được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho 01 Nghệ nhân ưu tú, phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 15 nghệ nhân;  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận 05 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các đoàn nghệ nhân dân gian của tỉnh tham gia các sự kiện do Trung ương tổ chức luôn kết quả cao. Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, quảng bá văn hóa du lịch Hà Giang, giới thiệu các hoạt động chính trị - kinh tế - xã hội, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến cộng đồng và du khách. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục bảo vệ thành công danh hiệu lần thứ III giai đoạn 2018 - 2022. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tạo cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quan tâm chú trọng khai thác bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh kết hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái...  để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá..., gắn du lịch làng văn hóa cộng đồng, các làng văn hóa du lịch tiêu biểu với xây dựng nông thôn mới ngày càng thu hút được đông đảo du khách tham gia.

anh tin bai

         Bám sát tinh thần chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Hà Giang đã ban hành Nghị quyết về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022­ - 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện nghị quyết, các cấp, các ngành đã đồng loạt tổ chức các hoạt động khảo sát nhận diện các hủ tục, tập tục lạc hậu trong cộng đồng, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thói quen trong sinh hoạt, lao động, sản xuất. Tổ chức các hội thảo lấy ý kiến của cộng đồng, đồng thời phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian, người có uy tín, tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc xóa bỏ, cải tạo các hủ tục, tập quán lạc hậu tiến tới xây dựng nếp sống văn minh. Đến nay nhiều cấp, nhiều ngành đã có những hành động cụ thể điển hình như: tổ chức ký cam kết thực hiện xóa bỏ hủ tục, đưa các nội dung xóa bỏ hủ tục vào các quy ước, quy định của cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức tới các đối tượng từ học sinh đến các tầng lớp trong xã hội… Một số mô hình cách làm hay hiệu quả như các câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc; nuôi con khỏe dạy con ngoan; phòng chống, bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; mô hình dòng họ học tập, đơn vị học tập tại Xín Mần; mô hình 5 không, 3 sạch… Tổ chức đồng bộ triển khai bộ tiêu chí ứng xử gia đình vào cộng đồng, đến năm 2022, tỉnh Hà Giang 73,5% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, 64,5% làng, thôn, tổ dân phố văn hóa được công nhận văn hóa.

         Để khuyến khích, khơi gợi tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ trong sáng tác, phát triển văn học nghệ thuật, nhiều cuộc thi sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí viết về gương người tốt, việc tốt, chủ đề xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới được tỉnh quan tâm tổ chức như cuộc thi “Giải báo chí của Đảng bộ tỉnh Hà Giang về xây dựng Đảng năm 2022” đã thu hút đông đảo đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo tham gia vừa tạo môi trường sáng tạo văn học, nghệ thuật, vừa góp phần phổ biến tuyên truyền giá trị chân - thiện mỹ hướng tới mục tiêu chấn hưng văn hóa.  

Có thể khẳng định, sau một năm triển khai thực hiện Kết luận chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được nâng lên rõ rệt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được phát triển rộng khắp và đi vào chiều sâu. Việc bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân được các địa phương triển khai quyết liệt, đã thực sự lan tỏa, đi vào cuộc sống của nhân dân. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển sâu rộng. Hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã bám sát định hướng vào các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước, của tỉnh góp phần lan tỏa giá trị Việt Nam trong cộng đồng. Tin tưởng rằng với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, văn hóa các dân tộc Hà Giang sẽ được bảo tồn, phát huy trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Hoài - Sở VH, TT&DL Hà Giang

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 978
  • Trong tuần: 6 765
  • Tất cả: 723906

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay