Thác núi Ba Tiên
21/11/2024
Xuất phát từ Thị trấn Mèo Vạc đến đây, nếu như ở nửa đầu hành trình, ba bề bốn bên đều là núi đá, là cua, là đèo dốc, các hẻm vực sâu, mầu xám nhiều hơn mầu xanh, tóm lại tưởng như tất cả những gì liên quan đến nước đều rất xa, rất hiếm, thì càng gần đến Du Già, một xã thuộc huyện Yên Minh, nơi người Tày sinh sống, mầu xanh càng mát mắt hơn, không khí có vẻ cũng ẩm ướt hơn. Có vẻ như du khách đang về gần đến nơi mà môi trường sống thân thuộc hơn, với ruộng lúa, cọn nước, tiếng suối chảy, nhà sàn, đĩa bánh mỳ trứng ốp la, ly cà phê buổi sớm... Như đang từ trạng thái háo hức nhưng vẫn hơi chờn chợn, nghộp trở lại trạng thái thư giãn, thoải mái, “xả stress” đúng nghĩa. Trong bối cảnh ấy, thác núi Ba Tiên đúng là một món “quà tặng” nhẹ nhàng.
Rộng chừng 5m, cao chỉ chừng 7 - 8m nhưng lại đã chia đến vài ba bậc, chen giữa và dưới chân thác là những hồ nước nhỏ, ở đây hầu như không có gì thách thức bạn cả. Chỉ một vài bước leo trèo không quá khó, và “ùm”, thế là tha hồ vùng vẫy trong làn nước trong. Nước đấy, ở ngay bên cạnh và trong lòng bạn, đủ đầy, mát lạnh, và đặc biệt rất sạch vì chảy tít từ trên núi xuống - núi Ba Tiên, và vì thế cũng là tên thác.
Tên thác là thế nhưng dòng suối lại được gọi là Thâm Luông - tiếng Tày nghĩa là hang lớn. Có thể gần đây có hang lớn chăng? Có thể lắm chứ, vì đá vôi, sét vôi hình thành nên dãy núi Ba Tiên ngày nay vốn được hình thành trong môi trường biển nông, ấm, yên tĩnh từ hơn 500 triệu năm trước, nay đã bị biến chất ít nhiều, và cảnh quan xung quanh thác Ba Tiên đang là cảnh quan karst trưởng thành, điều kiện lý tưởng để hình thành các hang lớn trong khu vực.
Thả mình trong dòng nước và lắng nghe câu chuyện tình dang dở giữa nàng Ba Tiên với chàng trai nghèo nhưng có tài thổi sáo, có lẽ là một trong những lý do mà thác nước là điểm hẹn của các cặp trai gái trong vùng và gần đây đang trở thành điểm đến khá “hot” của nhiều du khách.
Thế Vinh