image bannerimage banner
Y phục và trang sức của đồng bào Nùng Hà Giang
Cỡ chữ Tương phản

         Người Nùng di cư đến Hà Giang khoảng 300 năm nay. Họ sống chủ yếu ở các thung lũng nhỏ hẹp. Tại khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng bào Nùng sống tập trung chủ yếu ở hai huyện Quản Bạ và Yên Minh. Họ tập trung thành các làng bản nhỏ, sinh sống lâu đời và bảo tồn khá tốt các giá trị văn hóa trong đó có y phục và trang sức truyền thống.

anh tin bai

         Trước kia, bộ y phục của người Nùng ở Hà Giang được cắt may từ vải đen nhuộm chàm. Ngày nay, vải chàm hầu như không còn, mà người ta đã dùng vải đen mua từ mậu dịch để cắt may quần áo là chính. Tùy theo tập quán của mỗi nhóm mà họ có thói quen mặc áo dài hay ngắn, mặc quần hay váy (Nùng An mặc quần, áo dài, Nùng Dín mặc váy, áo ngắn…).

         Phụ nữ Nùng mặc áo (pu) 5 thân, xẻ nách (nẹp vải xanh hoặc đỏ, trắng chia thành nhiều đoạn), cài cúc sang bên nách phải, thân áo dài đến đầu gối, ở mép ống tay áo đượcc an thêm miếng vải màu xanh. Cũng có khi chỗ cài khuy ở vạt áo trước đượcc ài viền một băng vải khác với màu áo. Áo kiểu cổ đứng, bên trong được nẹp vải trắng, thắt lưng làm từ vải đen và khi thắt, hai đầu dây được buông thõng phía sau lưng.

anh tin bai

Kỹ thuật chà bóng vải đen của đồng bào Nùng

         Người Nùng Dín gọi áo là slựa với 2 loại: 5 thân mặc trong, 4 thân mặc ngoài đày, lớp trong mỏng, ống tay rộng, mép ống tay đáp thêm một miếng vải màu xanh gọi là hào slựa, áo cổ đứng,c ao 2,5 - 3cm. Áo 5 thân (slựa pài) dùng khi đi ngủ, gần giống với áo dài của người Tày, nhưng khác ở chỗ ngắn, chỉ vừa che kín bụng, cổ áo liền nẹp ngực và chỉ có 2 cúc bằng vải bện cài bên phải. Riêng các cô gái khi lấy chồng thường may một chiếc áo gọi là chất slựa, được đáp thêm 2 dải hoa văn ở cổ áo và hai nẹp tà áo trước ngực. Dải hoa văn ở hai bên nẹp ngực trang trí các hạt bạc gọi là nà chất, còn dải hoa văn gắn ở cổ áo gọi là hô môi - bằng vải có gắn các hạt bạc hình răng cưa. Ngoài ra, gấu áo cũng được thêu hoa văn với mô típ đường thẳng song song, có răng cưa thêu bằng chỉ màu. Áo phụ nữ Nùng Dín có 1 chiếc cúc to (cúc mẹ - chất ăn náu) và 12 chiếc cúc nhỏ (cúc con - chất mặc mau).

         Nhìn chung, áo phụ nữ các nhóm Nùng ở Hà Giang thường không thêu hoa văn (trừ áo cô dâu Nùng Dín). Nhìn từ xa, nó cũng giống với áo phụ nữ Tày trong vùng.

         Trừ những nhóm có tập quán mặc váy (Nùng Dín), những nhóm Nùng còn lại đều mặc quần (vạ) màu đen do họ tự cắt may. Đó là kiểu quần chân què đũng rộng, ống và cạp rộng, thắt bằng một sợi dây vải, phần cạp được can nối bằng vải trắng hoặc vải khác với màu quần.

         Y phục nữ không có sự phân biệt kiểu mặc ngày thường và kiểu mặc trong dịp tết lễ, hội hề, mà chỉ có một kiểu duy nhất. Khi đi làm thì mặc những bộ cũ hơn, còn khi đi chợ, ngày tết, cưới xin thì mặc bộ mới. Khi có tang thì mặc áo xô trắng, khăn trắng, nhưng vẫn mặc quần màu đen.

         Người Nùng Dín gọi váy là slịn, được cắt may từ 7 mảnh vải tả pủ khổ 40cm. Đó là loại váy quấn gồm hai lớp vải (lớp ngoài dày, lớp trong mỏng) không khâu thành ống. Váy gồm 4 phần: cạp (thu slịn), đầu váy (hô slịn), thân váy và gấu váy. Khi mặc, phần cạp và đầu váy quấn quanh thắt lưng. Sau khi buộc, đoàn đầu thừa của cạp váy được gấp lại rồi dắt vào bên hông. Trong lao động, để thuận tiện và gọn gàng đi lại, người ta túm một góc dưới gấu váy kéo ngược lên rồi gấp thành một túm dắt sau lưng, váy ôm gọn lấy cơ thể. Phần váy kéo lên và gấp lại này tạo thành một cục sau eo gọi là pản phải (túi váy). Người Tày gọi phần nhô ra sau lưng này là củn pâu hoặc ủ, u và cũng gọi người Nùng Dín là Nùng U hay Nùng Phản Phái là vì thế.

anh tin bai

         Khăn của phụ nữ Nùng ở Hà Giang là khăn hình vuông màu đen, thắt theo kiểu mỏ quạ. Trước khi chít khăn, người ta vấn tóc xung quanh đầu, sau đó buộc dây vải. Riêng nhóm Nùng Dín có 2 loại khăn đội đầu: pẩu pạ (dùng thường ngày) và chẩu chịp, được gắn 2 mảng hoa văn: pạc môi thẳng khăn hình chữ nhật (dùng trong ngày cưới, khi có hội hè). Phụ nữ Nùng Dín vấn khăn đội đầu theo hình chữ nhân trước trán. Hiện nay, một số nơi chuyển từ việc chít khăn đen sang chít khăn hoa Trung Quốc.

         Nói đến y phục của phụ nữ Nùng Dín, chúng ta còn phải kể đến dây thắt lưng (thải tan) gồm 2 loại bằng vải bông nhuộm chàm hoặc tơ tằm dành cho người lớn và trẻ em, không thêu hoa văn; hoặc thắt lưng của thiếu nữ có thêu hoa văn hình chim, hình rắn đôi, hình răng trâu… bằng chỉ màu. Bộ y phục của phụ nữ Nùng Dín còn bao gồm: tạp dề (bền giáo), tấm đệm vai (vì cùn), xà cạp (khà piểng), giầy vải (cù hài), trâm cài tóc (shủ) và các loại đồ trang sức khác.

         Trước đây nam giới người Nùng Hà Giang đều mặc áo cắt may từ vải chàm đen, cổ đứng, xẻ ngực, khuy cài bằng dây vải, áo 4 túi (hai túi trên và hai túi dưới), áo dài quá mông. Quần nam giới được cắt may từ vải chàm đen, theo kiểu chân què, đũng rộng. Phần cạp thường là vải khác màu. Dây lưng làm bằng sợi vải bện hoặc sợi dù luôn buộc sẵn ở eo. Mỗi khi đi ăn cưới, hội hè, nam giới thường mang theo một vuông khăn trắng làm khăn mặt. Những người trung niên trở lên thường đội mũ, ít khi để đầu trần.

         Hiện nay, nhiều phụ nữ Nùng đã chuyển sang mặc áo cánh, quần đen, nam giới mặc âu phục, nhất là lớp trẻ ở những khu vực gần thị trấn. Tuy nhiên, trong các dịp hội hè, lễ tết, nhiều người vẫn mặc bộ y phục cắt may theo kiểu cổ truyền, nhất là phụ nữ.

         Người Nùng ưa thích đồ trang sức bằng bạc, nhôm, nhất là các thiếu nữ. Bộ trang sức của phụ nữ gồm: vòng cổ, vòng tay, nhẫn, dây xà tích. Đàn ông chỉ quen đeo nhẫn, đeo đồng hồ, trẻ em đeo vòng cổ, vòng tay và được xem là vật kỵ tà ma hay để tránh gió.

BQL Công viên địa chất


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 25
  • Trong tuần: 5 626
  • Tất cả: 909011

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay