Lần nào dừng chân ở Đồng Văn, ghé ăn cơm nhà Tiến Nhị ở cổng chợ hay nhà bà Lan ở đầu phố cổ cũng phải hỏi một món ăn “gia truyền”: Thịt gác bếp.
Tôi nhớ lần đầu tiên thưởng thức món ăn đặc sản vùng cao là giữa một trưa nắng gắt. Đó là một quán bé lụp xụp đầu cổng chợ, bồ hóng ám khói đầy các bức tường, bàn ghế bằng gỗ cũ kỹ, rượu uống bằng chén sành thô vuông màu tàn thuốc. Bếp trổ cửa sổ ra đường lớn, bàn ăn ở tít phía trong, không gian tranh tối tranh sáng trông cứ như chốn giang hồ trong phim. Chủ quan hạ một vài xiên thịt treo trên gác bếp rồi thái mỏng, xào với cải mèo đắng và một chút gừng. Mấy đứa đã có một bữa trưa ấn tượng mà đến mãi hơn một năm sau đó mới có dịp gặp lại.
Người vùng cao thường chọn bắp đùi chân sau của con trâu con bò đem tẩm ướp gia vị, đặc biệt phải có một loại gừng chỉ bán ở phiên chợ bên Bảo Lạc, Cao Bằng vào chiều 25 tết, để khoảng bốn giờ rồi đem treo trên gác bếp. Bếp người miền núi đun bằng củi, khói bay lên ám đầy bồ hóng và xiên thịt treo ngày qua ngày.
Muốn ăn thịt ướt chỉ cần treo trên gác bếp 4 - 5 ngày rồi hạ xuống. Lúc này thịt vẫn còn mềm, thái mỏng, xào với gừng thái chỉ hoặc cải mèo đắng nếu muốn, không cần nêm nếm thêm bất cứ gia vị gì. Thịt treo từ 10 ngày đến nửa tháng sẽ khô quắt lại, trở thành món thịt trâu, bò khô. Khi ăn bọc giấy bạc, vùi trong than củi, nướng lên rồi dùng chày đập mềm, xé thành sợi nhỏ, nhằm với tương ớt và rượu ngô thì thật không gì thú vị và ngon miệng bằng.
Thịt gác bếp khô hay ướt đều mang hương vị đặc biệt của bồ hóng. Du khách lên chợ Đồng Văn không bao giờ bỏ qua cơ hội thưởng thức những món gác bếp đặc sản này. Nhiều người còn đặt mua mang về dưới xuôi, cất trong tủ lạnh ăn dần hoặc đem ra đãi bạn. Các chủ quán quanh chợ Đồng Văn nhiều khi không có đủ hàng để bán cho khách vì thịt treo trên gác bếp vừa đủ ướt, đủ khô đã có người đến đặt hàng mang về.
Thỉnh thoảng mỗi cuối tuần tôi lại có điện thoại, chủ quán Tiến Nhị gọi: “Cuối tuần chị đi Hà Nội, em lấy mấy ký thịt gác bếp để chị mang?”
BQL Công viên địa chất