Về lịch sử tộc người Dao, hầu hết trong các nhóm Dao đều lưu truyền rộng rãi câu chuyện huyền thoại về con long khuyển có tên Bàn Hồ là thuỷ tổ của dân tộc Dao mà đến nay vẫn được thờ cúng rất tôn nghiêm trong mỗi gia đình và cả cộng đồng, tương tự như người Việt nhận Lạc Long Quân là thuỷ tổ dân tộc mình.
Riêng về người Dao Việt Nam, trong các công trình nghiên cứu, các học giả Việt Nam và nước ngoài đều không nghi ngờ nguồn gốc ban đầu của họ ở lưu vực Nam sông Dương Tử, Trung Quốc, dần dần do biến động phức tạp của lịch sử, mới di tản xuống phía Nam, vào các nước phía Bắc Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Từ Tùng Thạch, trong cuốn Việt Giang lưu vực nhân dân sử cho rằng, nơi ở xưa của người Dao là đát Giang - Chiết - Công - Mân. Ở nước ta, Trần Quốc Vượng (1963) cũng đồng tình với ý kiến này và còn cho rằng nguồn gốc người Dao là ở Đông Việt thuộc đất Châu Dương và Châu Kinh (một phần đất thuộc các tỉnh Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, Giang Tây và Hồ Nam). Nhiều nhà dân tộc học Việt Nam cũng nhận định, ý kiến này có điểm phù hợp với tục đưa người chết về Dương Châu của người Dao.
Lễ cắp sắc độc đáo của đồng bào dân tộc Dao
Quá trình di cư của người Dao vào Việt Nam qua nhiều thời kỳ và bằng nhiều con đường khác nhau. Qua các tài liệu dân tộc học, sơ bộ có thể thấy quá trình đó như sau:
Vào thế kỷ XIII, Dao Quần trắng từ Phúc Kiến vào Quảng Yên, ngược Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên rồi tới Tuyên Quang. Một bộ phận nhỏ của nhóm này lại rời Tuyên Quang xuôi về Đoan Hùng rồi ngược sông Hồng lên Yên Bái và Lào Cai. Nhóm này có tên Dao Họ. Dựa vào sử cũ và các căn cứ khác, trong các nghiên cứu của mình, một số học giả Trung Quốc thì lại cho rằng, thế kỷ XIII người Dao vẫn chưa thể di cư vào Việt Nam mà phải sang thế kỷ XIV.
Dao Quần Chẹt và Dao Tiền từ Quảng Đông vào Quảng Yên và tới Phú Thọ, Hà Tây, Hoà Bình, Yên Bái, Tuyên Quang và Bắc Kạn. Cuộc thiên di này, các học giả Việt Nam cho rằng, có thể vào thời Lê (thế kỷ XV-XVII) chứ không phải thời “Lý triều” như “sử thi” Dao ghi, vì sử thi cũng nói đến “Đại Minh Quốc”.
Cuối thời nhà Minh (thế kỷ XVII), Dao Thanh Y từ Quảng Đông vào Móng Cái, qua Bắc Giang (nay còn một bộ phận nhỏ ở Lục Nam), ngược lên Tuyên Quang. Một bộ phận khác lên Yên Bái, Lào Cai, nay có tên Dao Tuyển. Hiện nay ở Quảng Ninh có một bộ phận Dao Thanh Y, phỏng đoán có thể vào Việt Nam rất muộn, khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Dao Đỏ và Dao Tiền ở Cao Băng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang từ Quảng Đông, Quảng Tây vào Việt Nam khoảng thời Minh. Cuối thế kỷ XVIII, người Dao Đỏ mới từ Vân Nam đến Lào Cai.
Xuân Thảo