Cua chữ M
21/10/2024
Với địa hình phân cắt mạnh mẽ từ rất cao đến rất thấp, Cao nguyên đá Đồng Văn từ lâu đã nổi tiếng với các đoạn đường đèo dốc, như dốc Bắc Sum từ huyện Vị Xuyên lên Cổng trời huyện Quản Bạ, dốc Thẩm Mã từ xã Vần Chải lên xã Lũng Thầu, dốc 9 khoanh từ thị trấn Phố Cáo lên xã Sủng Là cùng của huyện Đồng Văn... Còn đây là cua chữ M quanh co, mềm mại, kéo dài khoảng 2km từ xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh lên xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn.
Theo hướng này, cùng với sự thay đổi đột ngột về độ cao địa hình, từ chỉ khoảng 300-400m lên 950-1.000m trên mực nước biển, là sự thay đổi cũng đột ngột không kém về thành phần đất đá, từ các loại đá cát kết, bột kết, sét kết sang các loại đá vôi, kéo theo sự thay đổi rất tương phản trong các kiểu dạng địa hình, từ thoai thoải, mềm mại sang gồ ghề hiểm trở, từ địa hình rửa trôi, bóc mòn sang địa hình karst độc đáo, ấn tượng, với các chóp nón karst sót trên bề mặt san bằng, karst dạng dãy, dạng chuỗi các kim tự tháp, mái nhà lệch, rừng đá... trên bề mặt san bằng karst 950-1.000m, từ các cánh đồng, thửa ruộng bậc thang đầy ắp nước đến các nương ngô ngút ngàn...
Cùng với những tương phản, đa dạng trong các kiểu loại di sản địa chất là các nền văn hóa bản địa, khác biệt nhưng bổ trợ lẫn nhau và cùng có chung một nét hài hòa, thân thiện với tự nhiên, môi trường. Người dân bản địa nơi đây, dù là người Tày, người Dao ở vùng đất thấp hay người Mông ở vùng đất cao, đều rất giỏi canh tác cả ruộng bậc thang lẫn các nương đá, hốc đá, và trong điều kiện nào cũng tìm được những giống cây trồng, vật nuôi thích hợp, đúng chất “đặc sản” như lúa trên các thửa ruộng bậc thang đủ nước, ngô hoặc tam giác mạch trên các nương đá thiếu nước, trâu hoặc ngựa ở các vùng đất thấp nhưng lại là bò hoặc dê ở các vùng núi cao, và chung cho cả hai vùng đất, ở hai bên cua chữ M, là những cây đào nở rộ những cánh hoa dầy dặn, thắm đượm mỗi độ xuân về.
Thế Vinh