Về Hà Giang ăn Tết cùng người Bố Y
27/12/2024
Người Bố Y còn có những tộc danh khác như Pu Y, Pầu Y, sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc. Tại Hà Giang người Bố Y sống tập trung ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ và một số ít sống ở huyện Đồng Văn. Mặc dù sinh sống đan xen với các dân tộc khác như Nùng, Hoa, Giáy, Tày, Mông, Dao song người Bố Y ở Hà Giang vẫn gìn giữ được những truyền thống văn hoá riêng có, độc đáo, đặc biệt trong Lễ tết cổ truyền.
Người Bố Y cũng ăn tết Nguyên đán giống như các dân tộc khác ở Việt Nam, đây là lễ tết lớn nhất và dài nhất trong năm của người Bố Y. Tết Nguyên đán theo tiếng Bố Y là “cân chinh lo” tức là ăn tết to. Để chuẩn bị cho ngày Tết, cách chừng một tháng trước Tết, người Bố Y đã chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, lấy củi, lấy nước dự trữ và chuẩn bị thực phẩm làm bánh và nấu các món ăn truyền thống của dân tộc để dâng cúng tổ tiên. Theo tục lệ một năm vào dịp Tết Nguyên đán người Bố Y mới thực hiện nghi thức quét màng nhện trong nhà sau đó thực hiện trang trí nhà cửa bằng cách dán giấy đỏ, giấy vàng có viết chữ Nho với nhiều nội dung mong ước sức khoẻ dồi dào, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc… Trước ngày 27 tháng Chạp đồng bào Bố Y mổ lợn, các gia đình mời nhau đến chung vui luân phiên từ nhà này sang nhà nọ rất vui vẻ và đoàn kết vừa thăm hỏi nhau, vừa chia sẻ những kinh nghiệm chăn nuôi, trồng cấy để năm sau có một bội thu hơn. Đến 29 Tết, tất cả các dụng cụ lao động trong nhà được rửa sạch sẽ, xếp gọn gàng trong kho, những bộ quần áo mới được đem ra giặt để chuẩn bị cho gia đình, người thân những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất đi chơi Tết. Sáng 30 Tết, các gia đình làm bánh dày và thờ bánh dày với 7 cái tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, và năm vì tinh tú. Trên 2 bánh dày lớn thường được đặt 2 lá tỏi và thờ, khi nghe thấy sấm nở đầu mùa, người trong nhà lấy bánh xuống để ăn với ý nghĩa “ăn gan sấm” mong chinh phục được thế giới tự nhiên. Người Bố Y hiện nay vẫn thực hiện tục làm bánh chưng đen ngày 30 Tết. Bánh chưng của người Bố Y hình dáng như trái núi nên còn gọi là bánh chưng gù. Khi gói xong đem ngâm nước lạnh một đêm sau đó mới luộc khoảng 8 giờ. Người Bố Y không cúng bánh chưng đen mà chỉ làm và ăn duy nhất vào ngày 30 Tết, còn cúng thì dùng bánh chưng gạo trắng với mong muốn năm mới mọi thứ đều sáng sủa tốt đẹp đến với gia đình. Trong dịp tết Nguyên đán người Bố Y còn có tục làm bù nhìn. Tối 30 Tết, sau khi cúng tổ tiên, chủ nhà dùng rơm nếp khô, quần áo, nón cũ để làm bù nhìn. Khi làm xong, con bù nhìn được cắm ở vị trí ngã ba trước cửa nhà với ý mong cho sang năm mới con gà, con vịt nhà mình sẽ không bị con diều hâu, con quạ, con cắt bắt mất.
Vào giờ khắc giao thừa xong và sáng sớm ngày mồng 1 Tết, gia chủ hoặc con trai lớn đi ra suối, mó nước hoặc bể nước mưa nước mới về pha trà cúng tổ tiên. Cúng nước chè xong mọi người trong nhà mới được rửa mặt, uống nước. Người Bố Y hiện nay vẫn giữ tục xông nhà ngày Tết. Nếu trẻ em là người đầu tiên đến nhà vào ngày đầu năm mới, gia chủ sẽ tặng một quả trứng gà nhuộm đỏ đã chuẩn bị sẵn để mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Nếu là người lớn tuổi thì gia chủ mời khách ngồi ghế, không được cử động trong khoảng 10 - 15 phút, sau đó gia đình mời khách uống rượu, ăn cơm. Trong ngày mồng 1 Tết, người Bố Y có rất nhiều tục kiêng kị như: không được rửa bát đĩa, chỉ được lấy giấy bản lau sạch vì sợ của cải, may mắn sẽ bị trôi đi; không được làm gãy than củi đang cháy vì sợ cả năm con trâu con bò đi cày sẽ bị gãy lưỡi cày; không ngủ trưa (ngủ dậy muộn) vì đây là ngày đầu năm nếu ngủ muộn thì cả năm sẽ thành người lười biếng; không được thổi lửa, huýt sáo vì sợ năm tới có gió to, bão lớn thổi đổ nương ngô, nương lúa; không được đổ nước thẳng từ cửa chính ra ngoài sân vì sợ năm ấy có bão lụt cuốn trôi cửa, trôi nhà, trôi ruộng nương; Không được dùng đuốc, đèn đóm mang lửa từ nhà này sang nhà khác vì sợ làm hàng xóm hoả hoạn;… Các ngày Tết sau đó, người Bố Y làm cơm đón các con, các cháu về ăn tết cùng gia đình. Bữa cơm gia đình đơn giản với những món ăn được chế biến từ con gà, con lợn gia đình nuôi được nhưng đầy ắp tiếng cười, tiếng nói vui vẻ. Sáng ngày mồng 3 Tết, các gia đình thường làm cơm cúng tổ tiên về trời. Một điều đáng chú ý ở người Bố Y là tất cả các bữa cơm cúng tổ tiên đều được xào nấu với tỏi hoặc xào nấu xong sẽ cắt lá tỏi rắc trên các đĩa thức ăn. Cúng lễ tiễn tổ tiên xong, người Bố Y từ già đến trẻ, trai và gái trong làng mặc những trang phục đẹp tụ tập vui hội chơi xuân. Tiếng hát giao duyên chất chưa tâm sự cứ thế vang vọng cả bản làng. Những trò chơi dân gian cứ thế mà cuốn lấy những chàng trai, cô gái thi tài. Những tiếng cười giòn tan của những em bé ríu rít bên chân mẹ… Cả bản làng Bố Y vui xuân và chế biến những món ăn ẩm thực đặc trưng của dân tộc mình như: bánh dày, bánh trôi, bánh sừng trâu, bánh chuối, thịt treo gác bếp, lạp sườn, gà xương đen cùng với rượu ngô men lá… vừa để thưởng thức vừa để chào đón du khách thập phương đến ăn Tết cùng đồng bào Bố Y.
Cánh đào bừng nở trước hiên nhà, căn bếp đã chứa đầy củi khô, vị nồng say của rượu ngô men lá đã được chưng cất tỉ mỉ, những bộ trang phục truyền thống đã được chuẩn bị… tất cả đang chờ đón Tết về với bản Bố Y.
Nguyễn Hoài
Sở VHTT&DL Hà Giang