Vài nét về dân cư và lịch sử tộc người Bố Y
09/01/2025
Bố Y là một cộng đồng tộc người bao gồm 3 ngành chính là Pầu Y, Pầu Nả và Pầu Thỉn. Giữa các ngành có sự phân biệt khác nhau bởi một số nét thể hiện trong phong tục, tập quán và trên y phục của người phụ nữ. Về ngôn ngữ, 3 ngành đó tiêu biểu cho 3 phương ngôn của tiếng Bố Y xưa kia, là một ngôn ngữ trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái.
Người Hán và các dân tộc khác trong lịch sử đều gọi họ là người “Chủng Chá” (Chủng Chia Giần) hay “Trọng Gia” tức là “Người trong nhà”, mang tính miệt thị dân tộc. Nhưng tộc danh phổ biến và được các nhóm Bố Y ở các địa phương khác nhau tự nguyện thừa nhận là người Bố Y.
Vào khoảng những năm giữa thế kỷ XIX các nhóm người Bố Y xuất phát từ các địa phương khác nhau của các tỉnh Quý Châu và Vân Nam - Trung Quốc, đã lần lượt di cư vào nước ta bằng nhiều con đường và vào những thời điểm khác nhau. Vì thế, khi đến miền núi phía Bắc Việt Nam, họ tụ cư tại các địa điểm khác nhau đã tạo cho mỗi nhóm một số phận lịch sử khác nhau, hình thành nên 3 tộc người khác nhau ở nước ta.
- Ngành Pầu Y thành 2 dân tộc: Bố Y (tức Pu Y) ở Hà Giang và Tu Dí ở Lào Cai.
- Ngành Pầu Nả và ngành Pầu Thỉn thành dân tộc Giáy, có số dân đông nhất, cư trú ở hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn,...
Riêng nhóm Bố Y ở Hà Giang đi theo hướng sông Miện và sông Nho Quế vào cư trú ở một số xã huyện Quản Bạ và huyện Đồng Văn, nhưng đông nhất vẫn là ở Quyết Tiến - Quản Bạ, với khoảng 60 đến 70 hộ và dân số là 718 người (đến 31/12/2001).
Theo các cụ già người Bố Y ở Quyết Tiến kể lại: Họ đã đến định cư ở đây từ 7 - 9 đời, khoảng 160-180 năm. Các cụ nói, vì đất Quý Chân núi cao, độ dốc lớn, đất đai sản xuất rất khó khăn, nên họ đã đi tìm vùng đất mới để ở cho thuận lợi hơn. Khi đến xã Quyết Tiến lúc đó thấy đất đai rộng, bằng phẳng, có nguồn nước, có ruộng của các dân tộc khác đã khai phá nhưng do loạn lạc đã ly tán đi nơi khác, nay họ đến như một người chủ mới tiếp tục canh tác làm ăn, nhưng vẫn không quên công lao của những những đã khai khẩn cũ, nên người Bố Y có tục đến tết, tháng giêng khi vào mùa có lễ cúng ruộng để tỏ lòng biết ơn.

Người Bố Y sống thành từng làng như Nậm Lương, Tân Tiến, Lùng Thàng, ĐÔng Tinh, Nà Bốc, Bó Lếch,… xã Quyết Tiến - huyện Quản Bạ, xen kẽ với các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông,… nên một bộ phần người Bố Y ở Đồng Văn đã hoà nhập vào dân tộc Giáy hoặc dân tộc Nùng, tiếng nói chính là tiếng Nùng hoặc Giáy và họ còn biết nhiều thứ tiếng của các dân tộc khác trong vùng như tiếng Dao, Mông, Tày, Nùng cả tiếng Quan Hoả - Trung Quốc…
Nguyễn Nhung