Nơi dòng sông ra đời
23/10/2024
Cùng thuộc huyện Yên Minh của Cao nguyên đá Đồng Văn, khu vực Ngàm Soọc-Nà Luông cũng là một nơi hội tụ phong phú các giá trị di sản địa chất. Hoạt động đứt gãy kết hợp với quá trình hòa tan, rửa lũa đá vôi trong điều kiện khí hậu nhiệt đới đã tạo nên ở đây nhiều cảnh quan độc đáo, như cụm chóp nón karst sót trên bề mặt san bằng ở cua chữ M, cảnh quan karst dạng dãy, dạng chuỗi các chóp nón kiểu kim tự tháp, kiểu mái nhà lệch... ở Phố Chợ, các hẻm vực ở Bó Mới, rừng đá ở Mậu Lệch...
Vị trí dòng sông bắt đầu chảy
Sự tương phản về địa chất, địa hình giữa đá vôi ở phía Bắc-Tây Bắc và các đá cát kết, bột kết, sét kết... ở phía Nam-Đông Nam còn tạo nên một hiện tượng đặc sắc nữa ở khu vực Bản Mạ-Nà Luông - sự ra đời của một dòng sông.
Tại đây, ở độ cao chỉ khoảng 300-400m trên mực nước biển so với địa hình chung 1.000-2.000m của vùng đá vôi ở phía Bắc-Tây Bắc thuộc phạm vi các huyện Đồng Văn-Mèo Vạc, hệ thống rất đồ sộ các hang Bản Mạ 1, Bản Mạ 2, Nà Luông..., chủ yếu là các hang ngang, phát triển mạnh mẽ, tập trung hầu hết nước dưới đất - có thể gọi một cách không quá là các dòng sông-hang ngầm - của cả vùng đá vôi kể trên, theo đứt gãy xuất lộ ra ở ranh giới với các đá cát kết, bột kết, sét kết kể trên, gọi là xuất lộ nước karst Nà Đé - đầu nguồn của một trong số rất ít các dòng sông trên Cao nguyên đá - sông Nhiệm.
Toàn cảnh nơi dòng sông bắt đầu
Ở ranh giới địa chất đặc biệt kể trên, các giá trị văn hóa (sự khác biệt, tương tác giữa các cộng đồng người Mông, người Dao, người Tày), đa dạng sinh học (hệ thống các nương ngô, các ruộng bậc thang, rừng cây mộc miên...) ở đây cũng hết sức đặc sắc, mời gọi du khách đến tham quan, khám phá.
Xuân Thảo