Ranh giới Permian - Triassic tại thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn
28/12/2020
BQL
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trân trọng giới thiệu đến bạn
đọc những nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Lưu Thị Phương Lan - Viện Vật lý địa
cầu về điểm địa chất Ranh giới Permian – Triassic tại thôn Lũng Cẩm, xã Sủng
Là, huyện Đồng Văn.
Tiến sĩ Lưu Thị Phương Lan cùng cộng
sự nghiên cứu tại điểm di sản P/T
Vào thời điểm chuyển từ kỷ Permian sang kỷ Triassic,
cách đây khoảng 252,2 triệu năm, xảy ra sự tuyệt duyệt lớn nhất trong lịch sử
Trái đất, tiêu diệt gần 96% các loài sinh vật biển và gần 70% các động vật trên
cạn. Nhiều vụ phun trào lũ bazan Siberia (Nga) bùng nổ, đốt cháy một lượng lớn
than, đồng thời thải rất nhiều carbon, hơi thủy ngân và các khí độc khác vào
khí quyển. Khu vực Meishan D ở Trung Quốc có Điểm quan sát thấy thấp nhất
(LOOP) của động vật biển bám đáy Hindeodus
Parvus (H.Parvus). Tại đây răng của H.Parvus phát hiện thấy đầu tiên, mang
tính chỉ thị, được Ủy ban Quốc tế về Địa tầng học dùng xác định ranh giới
Permi-Trias chuẩn toàn cầu (PTB GSSP). Khí hậu ấm lên là một trong những nguyên
nhân chính gây nên sự tuyệt diệt hàng loạt đó. Một lượng lớn mưa axit tạo ra tại
thời điểm này có tác động mạnh, tiêu diệt các sinh vật biển và trên cạn. Trên
toàn cầu, các đại dương có tính axit và ấm hơn đã tạo ra các vùng chết do thiếu
oxy, nơi có các sinh vật biển sống, dẫn đến thiếu hụt nguồn thức ăn giúp Trái đất
phục hồi.
Pano giới thiệu
về nghiên cứu của tiến sĩ Lưu Thị Phương Lan về điểm di sản P/T tại Sủng Là
Meishan GSSP là một mặt cắt rất cô đọng. Tại nơi này
ranh giới được xác định trong khoảng gần 3m. Các sự kiện cơ bản lộ ra ở mặt cắt
Meishan D cũng hiện diện tại mặt cắt Lũng Cẩm, nhưng mở rộng hơn nhiều với chiều
dày tương ứng hơn 21m. Các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu về mặt cắt Lũng Cẩm
bao gồm các nhà địa tầng, địa hóa và cổ sinh trong nước và ngoài nước. Phía Việt
Nam có Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng với
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Về phía Hoa Kỳ có Cục Khảo sát Địa chất
Hoa Kỳ, Đại học Tổng hợp Arlington, Đại học Tổng hợp Louisiana và các trường đại
học khác ở Hoa Kỳ.
BQLCVĐC