image bannerimage banner
Sắc xuân miền cực Bắc
Cỡ chữ Tương phản
Tháng Giêng, đất trời vùng cao như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Những ánh nắng đầu tiên ló rạng sau sự “trốn tránh” suốt cả một mùa Đông. Nếu như đã từng đắm say trước những vạt hoa Tam giác mạch trải dài trên triền đồi thì chắc hẳn mùa Xuân này chúng ta cũng không nên bỏ lỡ một vùng cao rực rỡ sắc hoa Đào phai, những cánh hoa mận trắng tinh khôi, hay những nương cải vàng ruộm tỏa sắc giữa đất trời.
Trẻ em vùng cao.
Trẻ em vùng cao.

Những ngày đầu Xuân, Cao nguyên đá vẫn ôm ấp cái lạnh cuối mùa Đông, không quá buốt giá, chỉ vừa đủ để du khách cảm nhận hơi lạnh của núi rừng. Hoa đào, hoa mận bắt đầu bung nở khắp các thôn, bản vùng cao. Những cánh hoa thấm đẫm sương giá tỏa sắc thắm tươi hơn tất thảy các loài hoa kiêu sa nào khác. Đã có rất nhiều ý kiến riêng, đánh giá mùa nào là mùa đẹp nhất trên Cao nguyên đá, nhưng đến nay, chẳng ai có thể khẳng định được mùa nào là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa Đông, sương giăng kín lối về, những con đường vùng cao ngập trong buốt giá, mỏm đá tai mèo nằm im lìm, rất đỗi cô đơn. Khung cảnh ấy cũng đã làm thổn thức biết bao đôi chân ưa xê dịch. Sang Xuân, cơn mưa Xuân như tiếp thêm sức mạnh cho sự đâm chồi, nảy lộc. Những nụ hoa chúm chím dần bung nở, chồi non háo hức đợi suốt mùa Đông cũng được dịp khoe mình. Để rồi bước sang mùa Hạ, là mùa của sự sống, cây cỏ bừng lên sức sống mãnh liệt, xanh mướt trên khắp các triền đá tai mèo. Cao nguyên đá như khoác tấm áo mới… Dường như, Cao Nguyên đá mùa nào cũng đẹp. 

Mùa Xuân năm 2021 khác hơn so với những năm trước đó. Bởi lẽ, suốt 1 năm 2020 dài đằng đẵng, du lịch trong nước nói chung, ngành Du lịch tỉnh ta nói riêng đều gặp phải những khó khăn do đại dịch Covid-19. Nỗ lực vượt qua đại dịch được đánh giá là điểm đến du lịch an toàn, du lịch tỉnh ta đã phục hồi nhanh chóng và đạt được những kết quả tích cực. Các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, kèm theo những hướng dẫn đảm bảo an toàn cho du khách. Nhờ đó, năm 2020, huyện Đồng Văn, vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu đã đón trên 32 nghìn lượt khách, bằng gần 300 nghìn người tới tham quan, trải nghiệm và lưu trú. Đây là con số đáng ghi nhận trong một năm khó khăn chung của ngành Du lịch.

Đầu Xuân năm nay, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, các lễ hội truyền thống đều được dừng lại để đảm bảo công tác phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất. Bà con các dân tộc trên toàn tỉnh đã và đang thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh, huyện; các thông điệp về phòng, chống dịch được nêu cao hơn bao giờ hết. Trên các thôn, bản vùng cao, không rộn ràng  Lễ hội Gầu Tào của bà con dân tộc Mông, lễ hội xuống đồng của người Pu Péo hay Hội Xuân khèn Mông; đổi lại các buổi lễ được làm với quy mô nhỏ, đảm bảo đúng phong tục của bà con và đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch. Trong mỗi lễ cúng, bên cạnh lời cầu mưa thuận, gió hòa, bà con nhân dân vùng cao có thêm ước nguyện năm mới đại dịch sẽ nhanh chóng qua đi, bình an đến với tất cả mọi người. Mặc dù mọi sự ưu tiên đều được dành cho công tác phòng, chống dịch; tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn luôn sẵn sàng, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón những vị khách đến trải nghiệm. Một Hà Giang an toàn, thân thiện, mến khách vẫn luôn mở rộng cửa đón chào tất cả du khách trong nước và quốc tế khi đại dịch qua đi. 

Miền biên viễn cực Bắc của Tổ quốc đang ở những ngày đẹp nhất, như người con gái đang độ xuân thì. Trăm hoa đua nở, sắc Xuân rộn ràng phơi phới như báo hiệu một năm mới ấm no, hạnh phúc và bình yên.

Bài, ảnh: My Ly

Nguồn: Báo Hà Giang điện tử


Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 639
  • Trong tuần: 6 094
  • Tất cả: 935854

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay