image bannerimage banner
Nguồn gốc lịch sử di cư của dân tộc Lô Lô
Cỡ chữ Tương phản
Dân tộc Lô Lô có trên 3.300 người cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. Ở Hà Giang, đồng bào sinh sống tập trng ở các xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sủng Là huyện Đồng Văn và các xã thuộc huyện Mèo Vạc như: Thượng Phùng, Xín Cái.
anh tin bai

Trang phục phụ nữ Lô Lô hoa tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (Ảnh: Nguyễn Nhung)

         Lô Lô là tộc danh chính thức ngày nay của đồng bào. Trong các sử sách cổ của Việt Nam và Trung Quốc, họ còn có các tên gọi khác là: Ô Man, Lu Lọc Màn, La La, Qua La, Di Nhân, … Người Lô Lô ở Việt Nam có hai ngành Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Nhóm Lô Lô Đen tập trung ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, nhóm Lô Lô Hoa sinh sống tập trung tại huyện Mèo Vạc và các xã Lũng Táo, xã Sủng Là huyện Đồng Văn. Hai nhóm Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa khác nhau về trang phục, còn ngôn ngữ và phong tục tập quán không có gì khác biệt nhiều.

         Người Lô Lô di cư vào miền bắc nước ta có thể từ thế kỷ X gắn liền với các sự kiện Đoàn Tử Bình giành quyền làm chủ Vương quốc Nam Chiếu, dẫn đến những tộc người cũ của Vương quốc Nam Chiếu chống lại bị thất bại chạy tản mát về phương Nam. Nhiều tài liệu cũng nhắc đến vào đầu thế kỷ XII một cuộc di dân lớn cả người Lô Lô diễn ra. Sau khi tù trưởng người Lô Lô bị giết, một tướng khác là Lu Ngô Quân kéo quân và một số dân chúng Lô Lô về phía Nam đến đất Đồng Văn, Hà Giang lập làng khai khẩn đất đai. Một cuộc di cư khác diễn ra vào thế kỷ thứ XVII dưới sự dẫn đầu của thủ lĩnh Khổng Mìn với 5-6 nghìn người Lô Lô từ Trung Quốc tràn vào đất Mèo Vạc, Hà Giang khai thác ruộng rẫy dựng nhà lập bản sinh sống. Cùng thời gian này, một nhóm Lô Lô khác cũng di chuyển đến Lai Châu. Rải rác năm này năm khác, người Lô Lô từ Trung Quốc di cư vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ngược trở về quê cũ. Song có thể nói rằng, người Lô Lô có mặt trên đất Việt Nam, đặc biệt là đất Hà Giang khá sớm. Bằng chứng là trong các bài cúng đưa hồn người chết của người Lô Lô ở Bảo Lạc (Cao Bằng), các thầy cúng dẫn dắt hồn người chết qua các địa danh của các xã Hồng Trị, Thượng Hà, Đức Hạnh của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng rồi sang đất Đồng Văn của tỉnh Hà Giang và cuối cùng là về đến đất Po Hả, theo người già kể lại thì đó là quê hương xưa cũ của người Lô Lô ở Trung Quốc.

anh tin bai

Tộc người Lô Lô đen cư trú lâu đời tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Ảnh: Nguyễn Nhung)

         Truyền thuyết của người Lô Lô kể rằng: Người Lô Lô có 7 ảnh em, 3 người rời Po Hả sang Việt Nam thì một người lạc, hai người còn lại tìm đến đất Đồng Văn, Hà Giang, thì một người trong họ ở lại Đồng Văn, người kia đi đến Bảo Lạc (Cao Bằng) để sinh sống. Hai anh em thuở ấy đến những vùng này, đất đai còn hoang vắng lắm, họ ra sức khai khẩn đất đai xây dựng gia đình và trở thành tổ tiên của người Lô Lô ngày nay. Câu chuyện đầy màu sắc hoang đường - huyền thoại, nhưng nó có một chi tiết đáng lưu ý là họ (người Lô Lô) đã có mặt ở vùng Bảo Lạc (Cao Bằng) và Đồng Văn (Hà Giang) từ rất sớm, và họ là người có công đầu tiên khai khẩn đất đai vùng này. Chả vậy mà ngày nay, người Tày hay người Mông vùng Cao Bằng, Hà Giang khi làm ruộng vẫn có tục cúng ma Lô Lô. Đặc biệt, ở vùng người Tày Bảo Lạc trong hội Lồng Tồng vẫn có mâm cỗ cúng ma Lô Lô là người khai ruộng đầu tiên. Riêng hội Lồng Tồng xã Nam Quang, huyện Bảo Lạc còn có tục phải chọn người Tày gốc Lô Lô đứng ra chủ trì lễ vãi thóc giống, bông giống để dân trong vùng mang về trộn lẫn với lúa giống, bông giống nhà mình mà gieo với hy vọng cầu mong cho vong linh người Lô Lô phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Như vậy, qua các nguồn sử liệu, huyền thoại và những dấu vết còn để lại ở tập quán đều thể hiện người Lô Lô là cư dân có mặt sớm và có công khai phá vùng đất Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

anh tin bai

Người Lô Lô luôn chú trọng bảo tồn và gìn giữ văn hoá truyền thống

         Theo tác giả Lâm Tâm nêu trong cuốn Sơ lược giới thiệu dân tộc Lô Lô, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thì huyện Đồng Văn là nơi người Lô Lô đến trước tiên trên đất Việt Nam. Ý kiến này phù hợp với ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu và đúng với tập quán còn để lại trong nhiều nghi lễ của người Lô Lô và các dân tộc địa phương. Cũng theo tác giả này thì trên đất Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ của tỉnh Hà Giang cùng với vùng Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng trong lịch sử các thổ ty của người Lô Lô, người Tày, người Mông đã không ngừng giao tranh - mạnh ai nấy thống trị, đẩy bao dân lành vào cơn binh lửa. Qua mỗi lần tranh giành quyền thống trị của các tập đoàn phong kiến ấy, người Lô Lô bị trôi dạt lên các xã vùng cao hoặc di chuyển qua lại nhiều lần qua biên giới Việt - Trung. Và đồng bào ổn định lại ở các bản có người Lô Lô ngày nay từ khoảng cuối thế kỷ XIX.

anh tin bai

Lễ tế trời được người Lô Lô và đồng bào các dân tộc khác cùng tổ chức

         Qua nhiều nguồn sử liệu cho thấy, dân tộc Lô Lô có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, ít ra là khoảng trên dưới 500 năm. Đồng bào đến Việt Nam qua nhiều đợt thiên di bởi ở quê cũ có chiến tranh loạn lạc và họ bị đàn áp nặng nề hoặc bị mất mùa đói kém, bệnh dịch… Đến Việt Nam, người Lô Lô đã có công khai khẩn đất đai ở vùng cao biên viễn núi đá Hà Giang, Cao Bằng. Công lao này của người Lô Lô được các dân tộc ở Hà Giang, Cao Bằng luôn ghi nhận trong cõi tâm linh sâu thẳm của tập quán. Việt Nam là quê hương lâu đời của người Lô Lô, đồng bào là một trong những thành phần dân tộc cấu thành Đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

BQL Công viên địa chất

(Theo Các dân tộc ở Hà Giang , NXB Thế giới)

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 212
  • Trong tuần: 5 357
  • Tất cả: 880588

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay