Phụ nữ Mông là người sáng tạo, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc qua những bộ trang phục truyền thống. Mặc dù trong cuộc sống đương đại có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ nhưng phụ nữ Mông vượt qua những khó khăn, thử thách trở thành những thợ thủ công tài hoa dệt ra những bộ váy truyền thống từ vải lanh.
Sinh ra và lớn ở Quản Bạ, từ nhỏ chị Vàng Thị Mai được mẹ truyền cho những kỹ năng làm ra những chiếc váy bằng sợi lanh. Chị thành thạo tất cả các công đoạn từ trồng, chăm sóc cây lanh, tước vỏ, se lanh, kéo sợi, dệt vải, hấp, nhuộm, vẽ hoa văn để may thành thành váy, áo. Với mong muốn lưu giữ nghề truyền thống, tạo việc làm cho chị em phụ nữ ở địa phương, năm 2001 chị thành lập HTX dệt vải lanh thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (Quản Bạ) với 10 thành viên. Vượt qua những khó khăn, thử thách ban đầu do nguồn vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm, nay các sản phẩm từ vải lanh của HTX như: Ba lô, túi sách, quần, áo, khăn, gối, ví… Được người tiêu dùng ưa chuộng và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Ngoài tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, HTX còn truyền dạy các công đoạn dệt vải từ cây lanh cho thế hệ trẻ; là điểm du lịch trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước.
Để làm ra bộ váy từ vải lanh, phụ nữ Mông trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tinh tế thể hiện sự khéo léo, tài năng của người phụ nữ. Từ những cây lanh mọc trong tự nhiên, đồng bào Mông mang về trồng trên nương, rẫy hay những bãi đất bằng; cây lanh được thu hoạch trong một thời gian nhất định kể từ ngày gieo hạt, nếu thu hoạch sớm hơn thì sợi lanh sẽ dai, thu hoạch muộn hơn thì việc tách vỏ rất khó. Vỏ lanh sau khi được tách sẽ cho vào cối giã cho xoăn lại rồi tiến hành nối sợi, sợi sau khi nối được ngâm nước lạnh khoảng 20 phút rồi đưa lên khung sợi. Khung se sợi được cấu tạo gồm khung gỗ, bàn đạp, bánh xe, các con lăn cắm vào các que gỗ, sự vận hành của khung se sợi với tác động lúc ghìm, lúc buông đôi tay của người thợ, sợi lanh dần dần được cuốn vào các que gỗ cắm trong các con lăn rồi được đưa lên giàn quay… Sau khi tấm vải dệt xong, họ dùng tro của gỗ cây Trai để tẩy trắng rồi giặt sạch, phơi khô. Phụ nữ Mông có cái nhìn khái quát, giàu óc tượng tượng, dựa vào trí nhớ để thêu hoa văn, nhiều người khi thêu thuộc màu ưu thích, không cần nhìn màu, nhìn mẫu mà vẫn thêu được những họa tiết theo ý muốn. Đặc biệt, họa tiết, hoa văn trên vải có một kỹ thuật tạo hình rất độc đáo đó là vẽ họa tiết bằng sáp ong trên vải lanh.
Chị Vừ Thị Dính, sinh năm 1977, thôn Tìa Chí Đơ, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc), tâm sự: Từ nhỏ, ngày nào tôi cũng thấy mẹ và bà nội dệt vải, chính điều đó tạo nên sự thích thú, nuôi dưỡng đam mê với nghề dệt vải lanh; khi lớn lên, được mẹ và người già trong thôn chỉ dạy từ những đường chỉ hoa văn đơn giản rồi những họa tiết khó hơn, dần dần tôi thành thục mọi kỹ năng dệt vải lanh; gắn bó với nghề dệt vải lanh hơn 30 năm, tôi không nhớ mình đã dệt, may bao nhiêu bộ trang phục, các vật dụng từ vải lanh nữa. Tôi thường xuyên vận động thế hệ trẻ tranh thủ lúc việc nương rẫy học các kỹ năng dệt vải lanh vừa để lưu giữ văn hóa truyền thống vừa kiếm thêm thu nhập.
Trồng lanh, dệt vải vừa là nghề truyền thống, vừa là tri thức dân gian đặc sắc của người Mông. Đây là kết quả quá trình sáng tạo, chắt chiu kinh nghiệm trong lao động bao đời nay. Bằng nhận thức của bản thân, họ đã cải tiến nông cụ dùng để trồng, dệt vải lanh, trang trí hóa văn từ sản phẩm thô sơ đến những kiểu cách tinh xảo với kỹ thuật đặc trưng không lẫn với bất kỳ dân tộc nào. Trước đây, những sản phẩm được tạo ra từ nghề dệt lanh chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nhưng trong những năm gần đây sản phẩm dệt lanh bắt đầu mang tính thương mại phục vụ cho du lịch. Điều này phù hợp với yêu cầu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông khi tỉnh thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn liền phát triển du lịch.