image bannerimage banner
Phó Bảng ơi!
Cỡ chữ Tương phản
Tôi đến Phó Bảng lần đầu tiên vào một ngày sương giăng nặng trĩu. Từ thung lũng Sủng Là ngước lên, con đường dắt vào Phó Bảng chìm nghỉm trong mây mù. Cột cây số chỉ “Phó Bảng 7km”, nhưng đường chúng tôi đi dài hơn thế…
anh tin bai

Những dãy nhà cổ nằm bình yên trong lòng thị trấn

Chiếc ô tô tiến từng mét đường vì quá mù sa mưa, ánh đèn vàng không đủ sáng để giúp người lái xe nhận ra đâu là ranh giới của taluy âm, đâu là vách đất nhô ra của một góc cua. Để bảo đảm an toàn, hai người đàn ông quyết định góc cua. Để đảm bảo an toàn, hai người đàn ông quyết định xuống xe làm hoa tiêu dẫn đường, mỗi người đi bộ một bên mép đường để làm “cọc tiêu trong sương”.

 
anh tin bai

Mùa xuân đến hoa đào nở rộ khắp thị trấn Phó Bảng

Chúng tôi đến thị trấn heo hút nơi địa đầu tổ quốc ấy đúng vào phiên chợ. Bởi thế nên bản hòa tấu đầy sắc màu của người Mông và người Hoa trở nên sống động và rộn ràng hơn bao giờ hết, làm chộn rộn cả một góc trời của miền đất chốn biên thùy. Chợ Phó Bảng là một phiên chợ lùi, 6 ngày họp một lần, ấy là người Kinh tính thế cho dễ nhớ. Còn người Mông, người Hoa ở đây thì cứ bấm đốt ngón tay đến ngày Tỵ, ngày Ngọ là lại hối hả với quẩy tấu, khèn trúc, lợn, gà, đỗ tương, cải mèo… Mùa nào thức ấy, rừng gì cây ấy, có gì mang nấy. Đi chợ, trước là để trao đổi nông sản lấy những món đồ của cuộc sống hiện đại, sau là để ăn quà vặt, uống rượu say mềm môi, đàn ông tìm vợ, đàn bà kén chồng, trẻ con tung tăng chạy nhảy.

Tôi ngồi như bị thôi miên trước cửa một căn nhà cổ ngay đầu phố chợ. Trước khoảnh sân nhà, bà con mỗi người ngồi trên một mảnh bao tải, trên bày những món hàng rất khác biệt với chợ xuôi. Nào là ớt khô vun thành đống có ngọn, nào là gừng, riềng còn tươi mới thơm phức, có lẽ mới nhổ về từ trong rừng, nào là những gùi lá thuốc đầy ăm ắp mà thanh niên người Mông cười ngượng nghịu nói mãi không tròn tên.

Tôi ngồi bên kia đường, mắt dán chặt vào ô cửa sổ trổ ra trên tường nhà. Đó là một cửa hàng may mặc. Một chiếc máy khâu và những sợi dây màu, lấp lánh, nổi bật trong màu nền u uẩn vì thiếu ánh sáng. Bốn cánh cửa sổ lắp kính, khung gỗ cũ xì, bạc phếch mở ra hai bên. Hình như có tiếng gió reo, tiếng nước chảy, tiếng thầm thì nói chuyện, hình như tôi đang xem một cuốn phim, khi trong ô cửa, người đàn bà Mông cứ hiện ra rồi lại biến mất, đám khách đến rồi lại đi, trẻ con xúm vào ô cửa rồi lại tản… Thời gian trôi thật chậm… Cho đến khi, một phụ nữ luống tuổi áo xanh váy chàm đen bước ra hàng hiên và đóng các cánh cửa sổ lại. Cảm giác bâng khuâng y hệt như kết thúc một bộ phim buồn.

anh tin bai

Ngày trở lại.

Tôi không dừng bước ở chợ phiên mà lặng lẽ đến với sự trầm lắng, yên bình, thanh thanh của phố cổ. Hai dãy nhà trình tường, mái ngói âm dương bạc màu vì mưa nắng nằm tựa vào nhau khiến cho lối vào phố cổ trở nên gun gút. Nhà cũ kỹ với tường đất và cột kèo bằng thứ gỗ có tuổi bóng láng, giấy bản dán tường màu sắc nhạt nhòa. Hiên nhà lúc lỉu phơi ngô, chiếc xe cải tiến nằm chỏng chơ, bọn trẻ tò mò thập thò sau khung cửa, người già đi ra đi vào, người tước lanh, se sợi, kẻ khâu váy bán hàng, đám đàn bà bắc ghế ngồi hong nắng và thêu thùa ngoài sân, bất chợt liên tưởng đến những hình ảnh của Hồng Giang cổ thương thành trên đất Hồ Nam.

Tôi đứng trên đường biên giới Việt - Trung, trên đất của cửa khẩu Phó Bảng, bên kia là cửa khẩu Ma Ngán Sán của Trung Quốc, thỉnh thoảng vẫn thấy xe máy biển Trung Quốc chạy vụt qua, xe ta thì không thấy, nhìn lên núi thấy người dân tộc đi tra ngô, làm rẫy, mà không phân biệt được họ là người Việt hay là bạn láng giềng.

Ghé vào bản cuối cùng sát đường biên, ngay cạnh trạm kiểm soát biên phòng Phó Bàng. Bản của người Mông, có vài chục nóc nhà, người già trông trẻ nhỏ, đàn ông xây nhà, đàn bà đi hái củi, bọn trẻ tự chơi ngoài nương.

Hôm ấy nắng rất vàng, trời rất xanh, có gian nhà mới đang trình tường nện đất. Tôi ngồi cạnh đám trẻ bên thửa ruộng bỏ không, ngắm nhìn cánh đàn ông cần mẫn gùi từng gùi đất, hối hả đổ vào khuôn, dùng vồ nện chặt rồi lại gùi, lại đổ đất và dùng vồ nện chặt… Cứ thế độ hơn chục ngày, ba bốn công thợ, mua tấm lợp fibro ciment che mái, là đã có nhà mới để ở. Rồi bên ngoài tường lại xếp đầy củi khô, trên bờ rào lại phơi đầy váy áo. Đám trẻ con lớn lên lại lấy vợ gả chồng sinh con.

Bạn tôi cố trò chuyện với một chú người Mông say khướt, trước lối vào một căn nhà đang xây dang dở, trống huếch trống hoác, mái lợp tạm bằng một mảnh nilong trắng đục lòe xòe che kín cả cửa ra vào. Bên trong căn nhà chông chênh nắng, một cô bé - một người mẹ trẻ đang pha sữa hộp cho đứa con nhỏ bằng chiếc bình sữa cũ kỹ và siêu nước ám bồ hóng đen sì. Tim tôi thắt lại, đau đớn. Cô bé ấy chỉ có thể là chị nhưng không phải là chị. Người đàn ông già cỗi say khướt ngoài kia chỉ có thể là ông, nhưng không phải là ông. Cha già, mẹ trẻ. Hình ảnh đối nghịch đến xót xa, hình ảnh ám ảnh đến cùng cực, hình ảnh đã bám sâu chặt vào ký ức, khiến cho tôi biết bao lần quay lại Phó Bảng, vẫn thấy trong nụ cười có nước mắt, trong tiếng hát có tiếng khóc, trong bình yên có những đợt sóng ngầm.

Phố cổ của người Hoa, phố cổ trên cao nguyên, miền biên thùy viễn xứ, xa xôi, cách trở, lặng lẽ thu mình… Sẽ mất bao lâu, để những căn nhà mới mọc lên, thay thế những ngôi nhà trình tường đẹp như trong truyện cổ?... Tôi tự lắc đầu, tôi không muốn thấy một Phó Bảng đổi thay như thế, tôi muốn giữ trong lòng mình, mãi mãi hình ảnh về một thị tứ lặng lẽ và cổ xưa.

Tôi luôn nhắc mình nhớ về chốn ấy, nơi cánh hoa đào mạnh mẽ và dữ dội khoe sắc trên cành khô, một sức sống mãnh liệt trỗi lên từ đá tai mèo cheo leo nơi địa đầu tổ quốc, nơi những bản làng quần tụ trong lòng thung lũng, phía sau bờ rào đá, cuộc sống chậm chạp chảy trôi.

Nhưng tôi còn nhớ hơn, người đàn ông say rượu sau phiên chợ bước liêu xiêu trên đường về, cô vợ người Mông nhẫn nại đi bên cạnh, nâng đỡ, dìu dắt chồng. Tôi còn nhớ hơn, người đàn bà Mông với gương mặt u uẩn giặt một mớ quần áo to bên bờ suối giữa mùa đông giá lạnh, đứa con nhỏ ngồi chơi một mình giữa những gốc ngô.

Tôi có thể nào quên, từng phút giây đã đi qua với bạn đồng hành trên Phó Bảng, nắng ấy, gió ấy, hạnh phúc ấy và những buồn đau ấy…

Nắng như là Đồng Văn

Ơi Phó Bảng ơi

Ơi Sủng Là ơi

Sao tôi như trái thông hiu quạnh

Rơi rụng dưới chân đồi?

Thủy Trần

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 642
  • Trong tuần: 6 740
  • Tất cả: 724624

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay