image bannerimage banner
Tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Bố Y
Cỡ chữ Tương phản
 Dân tộc Bố Y trên Cao nguyên đá Đồng Văn di cư vào nước ta từ khoảng giữa thế kỷ XIX. Khi đến các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, họ chia thành các tộc người và cư trú tại một số địa phương như: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái…

         Nhóm Bố Y tại Hà Giang chủ yếu sống ở một số xã thuộc huyện Quản Bạ và huyện Đồng Văn. Đây là nhóm dân tộc thiểu số nhưng bản sắc văn hóa lại được lưu giữ và bảo tồn khá nguyên vẹn. Trong các đặc trưng văn hóa của người Bố Y thì tôn giáo và tín ngưỡng là một bức tranh đa dạng, đặc sắc.

anh tin bai

Bàn thờ của người Bố Y được đặt chính giữa nhà

         Dân tộc Bố Y quan niệm rằng, thế giới có 3 tầng: tầng trên trời có người to lớn, nhưng không ăn cơm, ăn thịt mà chỉ ăn hoa quả, mây mưa; tầng trần giới là thế giới loài người; còn tầng dưới đất là tầng có con người bé nhỏ người chỉ cao đến đầu gối. Họ cũng có quan niệm người ta có 36 hồn hay phương mệnh. Khi chết, hồn có thể phân tán và lìa khỏi xác. Hồn sống trong không gian, thời gian vô hạn, có sức mạnh và khả năng biến hóa khôn cùng. Người Bố Y chia hồn ra làm 2 loại: hồn dại và hồn khôn (linh thiêng). Những hồn dại thường tụ lại ở mồ mả với thể xác, những hồn khôn trở về bàn thờ để răn dạy và phù hộ cho con cháu hoặc rong chơi đây đó. Hồn khôn có thể nhập vào bất cứ một ai ngoài những người thuộc gia đình kẻ đã khuất (xác của hồn), để dạy khôn hay làm hại.

anh tin bai

Sách cúng được lưu giữ tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ

         Bàn thờ của người Bố Y có 3 bát hương: bát hương ở giữa thờ trời, một bên thờ Táo Công và một bên thờ tổ tiên. Ở dưới gầm bàn thờ người ta đặt một bát hương thờ thần thổ địa. Trong trường hợp bố mẹ vợ không có con trai, người con rể lập một bàn thờ bố mẹ vợ tại nhà mình. Bàn thờ này thường là một tấm ván nhỏ treo trên tường cạnh cửa đi, phía trong nơi gian giữa. Nếu bố mẹ vợ đều đã khuất, trên bàn thờ đặt hai bình hương.

         Theo quan niệm của người Bố Y, đời sống con người phải có đủ mặt trời, mặt trăng nên trong ngày tết Nguyên đán (đêm 30 tết) đồng bào làm bánh dày to tròn, đường kính khoảng 40cm, cùng chân giò lợn, bánh kẹo, hoa quả để cúng trời và cúng tổ tiên. Kết thúc tết, sau khi cúng hóa vàng, họ chuẩn bị 2 đòn gánh bằng tre để ông trời, tổ tiên gánh bánh và đồ lễ về ăn cả năm.

         Ngoài thờ trời, thờ tổ tiên, táo công, mỗi xóm người Bố Y cư trú đều có một miếu thờ thổ thần, không phân biệt thành phần dân tộc, đó là nơi tín ngưỡng chung của mọi người trong xóm. Người Bố Y và các dân tộc cùng chung sống trong vùng cũng tiếp thu những yếu tố Tam giáo, có quan niệm chung về thế giới bên kia, về số phận con người, về các ma, về ý nghĩa các kiêng kỵ và mọi biểu hiện của tín ngưỡng, tôn giáo khác. Trước kia, trong những cuộc vui bên mâm cỗ, người Bố Y thường cầm chén rượu chao qua 2 vai để xua đuổi tà ma trước khi chào mời nhau vào bữa, ngày nay tập tục ấy đã không còn.

         Dân tộc Bố Y không có chữ viết riêng, nên các thầy cúng thường học chữ Hán để ghi chép các bài cúng mo, ghi gia phả, viết bài vị, viết lá số và ghi chép về thời vụ sản xuất… Hiện nay ở Quyết Tiến chỉ còn một số ít cụ già biết chữ Hán. Và bây giờ tiếng phổ thông, chữ quốc ngữ đã trở thành phương tiện sử dụng hàng ngày của người Bố Y, tạo nên sự tiếp xúc, giao lưu với nền văn hóa chung của cả nước.

         Người Bố Y cũng như các dân tộc anh em khác nhau trong vùng, hàng năm cũng có các lễ tết như: Tết Nguyên đán, rằm tháng giêng, 20 tháng giêng, tết Hàn thực mùng 3 tháng 3, tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5, tết mùng 6 tháng 6, tết rằm tháng 7, tết cơm mới… Trong những dịp này, đồng bào thường làm xôi nếp, làm bánh dày, bánh chưng, bánh chay… để cúng tổ tiên, trời đất và cúng ruộng cầu mong mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt bội thu, nhiều tài lộc.

BQL Công viên địa chất

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 808
  • Trong tuần: 6 595
  • Tất cả: 723736

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay