image bannerimage banner
Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang
Cỡ chữ Tương phản
Di sản văn hóa tri thức canh hốc đá (còn gọi là canh tác nương đá) phân bố rộng khắp ở 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc của tỉnh Hà Giang gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc - Di sản này thuộc loại hình tri thức dân gian đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên vùng CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. 

         Nơi đây có độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển. Địa hình chủ yếu là núi đá vôi, chiếm khoảng 80% tổng diện tích tự nhiên, bởi vậy canh tác nương đá được hầu hết các dân tộc sinh sống trong vùng áp dụng như một phương thức canh tác truyền thống từ bao đời nay. Tại bất kỳ khu vực núi đá nào thuộc 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc đều bắt gặp phương thức canh tác này.

anh tin bai

         Tri thức canh hốc đá không phải là của một nhóm người hay một dân tộc cụ thể mà chủ thể văn hóa là tất cả những người, cộng đồng người thuộc các dân tộc đang sinh sống, mưu sinh bằng tri thức canh tác nương đá thuộc địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc của tỉnh Hà Giang. Họ là một cộng đồng lớn với thành phần bao gồm các dân tộc như: Lô Lô, Mông, Pu Péo, Cờ Lao, Hoa, Tày, Nùng và một số dân tộc ít người khác. Tuy nhiên, có thể nói rằng chủ thể văn hóa chính của kỹ thuật thổ canh hốc đá chủ yếu là người Mông bởi người Mông phân bố rộng khắp ở cả 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với số dân chiếm đa số. Người Mông sống trên các sườn núi cao, họ sử dụng phương thức canh tác nương rẫy với kỹ thuật canh tác hốc đá làm phương thức nông nghiệp chính để tạo ra nguồn lương thực duy trì cuộc sống.

anh tin bai

         Hiện nay trên địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc có tất cả 17 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều mang những bản sắc văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng về văn hóa trên cao nguyên đá nhưng do cùng sinh sống trong một khu vực địa lý với những điều kiện khắc nghiệt, để tồn tại được họ đã biết trao đổi, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sản xuất và những phương thức canh tác tối ưu mà tri thức canh hốc đá là một điển hình. Mặc dù cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào hay một tài liệu liên quan khẳng định được ai và dân tộc nào đã sáng tạo ra tri thức canh tác hốc đá nhưng có thể khẳng định rằng chủ thể văn hóa của tri thức này chính là bao gồm tất cả cộng đồng các dân tộc đang canh tác trên những nương đá cực Bắc này.

anh tin bai

         Do địa hình khu vực CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn chủ yếu là núi đá vôi, diện tích sử dụng cho canh tác ít và khá hiếm. Do vậy, để có đất trồng ngô và hoa màu người cộng đồng các dân tộc nơi đây sáng tạo và thích ứng bằng việc kè nương đá, gùi đất, đổ vào hốc đá để trồng các loại cây lương thực, trong đó chủ yếu là trồng ngô. Với địa hình đồi núi dốc, việc canh tác đơn thuần sẽ không cho kết quả mà bì rửa trôi lớp đất mầu mỡ. Do đó, đồng bào đã dùng các phiến đá có sẵn với kích thước to nhỏ khác nhau để xếp thành những bờ rào đá ngăn sự xói mòn, đặc biệt là vào mùa mưa. Việc xếp đá tạo thành những bờ ngăn, thành những mảnh nương là công sức của nhiều thế hệ cộng đồng các dân tộc nơi đây, trải qua thời gian dài mới có được những mảnh nương xanh ngát, bàn ngành ngô và hoa màu như ngày nay.

anh tin bai

         Thổ canh hốc đá là phương thức canh tác mang đặc trưng riêng của đồng bào các dân tộc trên khu vực CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Có thể nói đây là loại hình canh tác đã có từ hàng trăm năm trước, nó gắn liền với lịch sử cư trú của các tộc người sinh sống nơi đây. Sự ra đời của tri thức này đã tạo lên một loại hình canh tác mới đó là canh tác nương đá. Có thể nói đây bằng chứng đánh dấu quá trình định cư lâu dài của các dân tộc sinh sống trên vùng cao núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang.

anh tin bai

         Khi nhắc đến Cao nguyên đá Hà Giang, bên cạnh những phiên chợ vùng cao đầy màu sắc thì hình ảnh về những nương ngô xếp đá và những người phụ nữ cần mẫn gùi đất lên nương cũng là những hình ảnh mang đậm nét văn hóa - đây là những biểu hiện của tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá. Giá trị văn hóa còn thể hiện ở trong chính những tri thức và kỹ thuật canh tác nương đá, những tập quán sản xuất của từng dân tộc, cũng là canh tác trên nương nhưng không phải cách làm của dân tộc nào cũng giống nhau, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và địa hình mỗi dân tộc lại có những cách thức canh tác không hoàn toàn giống nhau. Liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp mà cụ thể là canh tác trên nương đá ở mỗi dân tộc lại có những tập tục, những tín ngưỡng thờ cúng khác nhau. Những nghi thức cúng bái, cầu mùa, cầu mưa hay mừng cơm mới chứa đựng trong nó đậm nét văn hóa tộc người, vì vậy có thể nói văn hóa canh tác trên nương thổ canh - hay chính là tri thức canh tác hốc đá là một phần không thể bỏ qua nếu tìm hiểu đời sống của những tộc người sinh sống tại đây. Bên cạnh đó trong quá trình canh tác trên nương cộng đồng các dân tộc nơi đây còn sáng tạo nên những tác phẩm văn học dân gian, những bài ca dao, dân ca tạo nên một kho tàng văn học dân gian tiêu biểu của từng tộc người.

anh tin bai

         Đối với những người dân nơi đây, tri thức canh tác hốc đá chỉ đơn thuần là những kinh nghiệm, cách làm mà họ đúc rút ra hay được thế hệ cha ông truyền lại nhằm mục đích mưu sinh, bảo đảm cuộc sống hằng ngày nhưng vô hình chung họ đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc - Văn hóa ứng xử với môi trường sống và điều kiện tự nhiên. “Tri thức canh tác hốc đá” còn là một di sản văn hóa phi vật thể mang tính cộng đồng cao, là biểu trưng văn hóa riêng có, đại diện tiêu biểu cho văn hóa của các dân tộc thiểu số tại 4 huyện miền núi phía bắc của tỉnh Hà Giang.

BQL Công viên địa chất

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 91
  • Hôm nay: 55
  • Trong tuần: 11 226
  • Tất cả: 989550

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay