Hợp tác xã dệt người Tày
09/10/2024
Làng Khắc A, xã Du Già, huyện Yên Minh nổi tiếng ở vẻ đẹp bình yên của những ruộng lúa, con suối trong thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi vách dốc đứng. Đây là nơi sinh sống của người Tày bản địa, sông chủ yếu bằng nông nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng có một số nghề phụ, vừa để lưu truyền các truyền thống văn hoá đồng thời cũng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ dệt vải, đan lát. Đàn ông đục loỏng, làm khung cửi, đan phên, vách ngăn nhà, đan cót phơi thóc, lúa và một số đồ dùng khác như giỏ, thúng, đồ đánh cá, nón lá…
Nghệ nhân ngồi dệt vải bên khung cửi gỗ
Ngày xưa phụ nữ Tày tự dệt vải để làm quần áo và lễ phục. Nhà nào cũng có vườn cây bông, các dụng cụ kéo bông thành sợi, đóng ống, quay suốt, khung cửi,… Phụ nữ Tày khi còn con gái phải may váy, áo cho mình và chuẩn bị đồ dùng khi lấy chồng. Khi làm mẹ họ phải lo quần áo cho chồng con. Chiếc khăn tay cô gái thêu tặng cho người yêu là nơi gửi gắm tâm tình của họ, đồng thời cũng để khoe tài dệt may, thêu thùa của mình. Con gái trưởng thành đi lấy chồng nhất thiết phải có bao dao kết bằng dây dao (thái tắn) và chiếc túi gai nhỏ xinh đựng đồ trang sức.
Sản phẩm dệt truyền thống
Xã hội phát triển, hàng công nghiệp nhiều. Nghề dệt truyền thống có nguy cơ mai một, chỉ còn một số ít người còn giữ được nghề. Với mong muốn giữ gìn nghề dệt truyền thống, năm 2013 UBND xã Du Già đã thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống tại làng Khắc A, hỗ trợ các nghệ nhân duy trì, phát triển nghề, giúp họ yên tâm dệt ra những sản phẩm đậm đà bản sắc và truyền nghề lại cho thế hệ kế tiếp.
Với bàn tay cần mẫn, khéo léo, óc sáng tạo, các nghệ nhân đang làm ra những sản phẩm đa dạng, tinh tế, mang đậm bản sắc của núi rừng như khăn quàng, váy, vỏ gối, địu,… đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên Hợp tác xã.
Triệu Hoàng