image bannerimage banner
Văn hóa tinh thần của người Cờ Lao Hà Giang
Cỡ chữ Tương phản
Người Cờ Lao thuộc nhóm các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở mảnh đất địa đầu tổ quốc. Văn hóa tinh thần của người Cờ Lao khá đặc sắc. Hầu như không chịu ảnh hưởng của các tôn giáo lớn. Một số nghi thức trong các hoạt động tôn giáo của họ có những biểu hiện của đạo Lão song rất mờ nhạt. Cho đến nay những đặc điểm còn thấy rõ nhất trong tín ngưỡng của họ chủ yếu là niềm tin vào các tôn giáo sơ khai và tục thờ cúng tổ tiên.

         Quan niệm vạn vật hữu linh của người Cờ Lao tương đối hẹp. Họ cho rằng, chỉ có người, các loại gia súc và lúa ngô mới có linh hồn (mi ngú). Các nhóm Cờ Lao Trắng và Xanh cho rằng, mỗi người đều có ba hồn, một hồn trú ngụ ở đầu (trong lỗ tai), một hồn thường xuyên đi lang thang và một hồn theo các loại gia súc trong nhà, trong đó quan trọng nhất là hồn trú ngụ trong đầu. Nhóm Cờ Lao Đỏ ở Hoàng Su Phì cũng cho rằng mỗi người có ba hồn, một hồn ở đầu, một hồn ở thân mình và một hồn ở chân. Sức khỏe của mỗi người đều phụ thuộc vào sự mạnh hay yếu của linh hồn. Khi linh hồn rời khỏi thân thể, con người sẽ chết. Vì vậy, việc giữ gìn và bảo vệ linh hồn cũng chính là gìn giữ và bảo vệ tính mệnh của bản thân. Trong một số trường hợp đau yếu, người ta thường quy cho nguyên nhân là do linh hồn phiêu dạt không tìm được đường về. Muốn khỏi ốm, cần làm lễ chiêu hồn bằng cách lấy một nắm cơm, một quả trứng đến các bến nước hoặc quả núi gần nhà thắp nhang rồi gọi to tên của người ốm ba lần. Nghi lễ này không nhất thiết phải mời thầy cúng.

         Sau khi chết, nếu chỉ mới địa táng, linh hồn của mỗi người sẽ lang thang đâu đó gần thôn trại và gia đình. Muốn linh hồn có một nơi trú ngụ lâu dài để khỏi ảnh hưởng tới người sống, cần phải tiễn về với linh hồn của tổ tiên ở miền quê khởi phát (Trấn Sơn, Quý Châu, Trung Quốc). Người ta còn phải tổ chức cúng ma khô sau khi địa táng là vì thế.

 
anh tin bai

Phụ nữ Cờ Lao vẫn mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, tết

         Lúa ngô và các loại gia súc cũng là những vật có linh hồn. Sự thành bại của chăn nuôi và nông nghiệp hàng năm phụ thuộc rất lớn vào linh hồn và các vị thần trông giữ linh hồn của cây trồng, vật nuôi. Khi gia súc bị dịch bệnh, người ta cũng phải cúng gọi hồn ở góc sân hay cửa chuồng trại. Hàng năm, trong tết mồng 5 tháng 5 và tết cơm mới, các gia đình đều phải cúng hồn lúa.

         Người Cờ Lao cúng tổ tiên đến đời thứ ba hoặc thứ tư. Bàn thờ tổ tiên của nhóm Cờ Lao Đỏ thường là một giá gỗ treo trên vách sau của gian giữa, trên đặt ba hoặc bốn ống hương, mỗi ống tượng trưng cho một đời. Nhóm Cờ Lao Trắng lại thờ tổ tiên ở cây cột góc gian nhà bên trái, cạnh chân cột có cắm một ống hương. Xưa kia, họ không làm bàn thờ, khi nào cúng thì đặt lễ vật lên mâm và để ở dưới đất. Dấu hiệu duy nhất để nhận biết chỗ thờ chính là một chuỗi xương hàm của những con lợn được mổ để cũng tổ tiên trong các dịp tết. Gần đây, người ta mới làm thêm một giá gỗ nhỏ, treo bên dưới chuỗi xương đó. Mỗi khi cúng tổ tiên, phải đặt một cục than hồng trước cột thờ, sau đó tưới nước cho tắt than. Khi giết gà cúng, phải vặt một ít lông ở cổ gà, quệt vào tiết rồi dán lên cột, phía trên ống hương; sau đó, lại lấy ba chiếc lông cánh cắm vào ống hương. Có người giải thích rằng, làm như thế tổ tiên mới nhận được lễ vật mà con cháu hiến tế. Nhưng cũng có người cho rằng, đó là một hình thức bùa chú để cầu tài lộc và ngăn ngừa điều xấu. Nhóm Cờ Lao Xanh lại thờ tổ tiên ở cột giữa, vì ngoài cùng của gian bên trái, gần chỗ tiếp khách. Họ không có bàn thờ và bát hương. Khi cúng, người ta đặt mâm dưới đất và cắm hương gần chân cột. Phía trên của cây cột này (bên trên quá giang) có buộc một bắp ngô, một que gỗ và túm lông gà. Hàng năm, vào dịp cúng năm mới, người ta sẽ thay bằng một bắp ngô, một que gỗ và một túm lông gà khác. Khi cúng, chủ nhà phải lấy một cành lá có hai chạc, sau đó chẻ các đầu chạc đó ra, cài vào nhau rồi gài vào cột, gọi là bi phai. Sau khi cúng xong, bi phai được giắt lên mái nhà và người ta coi đó là vật thiêng, có thể bảo về linh hồn tổ tiên và hồn lúa.

         Ngoài tổ tiên, người Cờ Lao còn thờ thần đất mà tiếng bản tộc gọi là mí xấy, hoặc gọi theo tiếng Quan hỏa là thủ ti (thổ địa). Đây là một trong những vị lương thần rất được trân trọng. Không chỉ được thờ ở các gia đình mà còn cả ở phạm vi các thôn trại. Nhóm Cờ Lao Đỏ thờ thần đất ở dưới gầm bàn thờ tổ tiên còn các nhóm khác thường thờ ở gian giữa, cùng chỗ với bàn thờ tổ nghề. Riêng vị thần đất trông coi nưỡng rẫy được gọi là eo mèo. Người dân bản tộc quan niệm rằng thần eo mèo chính là yếu tố quyết định sự thành bại của mỗi mùa vụ sản xuất. Vì thế, khi làm nương, các gia đình thường tìm một hòn đá có hình thù kỳ dị đặt vào hốc đá nơi cao nhất trong nương làm chỗ thờ cúng. Hàng năm, trước mùa trỉa hạt hoặc đến ngày tết Đoan ngọ (mồng 5 tháng 5) phải cúng eo mèo bằng một con gà trống, một bát cơm và một chai rượu.

         Cũng như phần lớn các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, người Cờ Lao tính thời gian theo âm lịch, một năm có 12 tháng, một tháng có 29 hoặc 30 ngày. Những ngày thừa được tính cho năm nhuận và cứ ba năm lại có một năm nhuận (13 tháng). Hàng năm, họ có nhiều ngày lễ tết như tết Nguyên đán, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ (tết mồng 5 tháng 5), tết rằm tháng 7 và tết Trùng cửu (mồng 9 tháng 9). Tết Nguyên đán được coi là lớn nhất, hầu hết các gia đình đều làm thịt lợn để cũng tổ tiên và mời mọc họ hàng.

         Người Cờ Lao ở nước ta chưa có chữ viết riêng. Trước kia, nhà ngôn ngữ học P.K.Benedict xếp Cờ Lao vào nhóm Ka - Đai (cùng với Pu Péo, La Ha , La Chí) và coi đây là một họ ngôn ngữ có những đặc trưng riêng. Ngày nay, nhóm ngôn ngữ Ka - Đai được giới nhân học thế giới gộp vào nhóm Thái với tên gọi chung là ngữ hệ Thái - Ka Đai. Tuy nhiên, các nhà dân tộc học Trung Quốc lại coi ngôn ngữ Ngật Lão, dân tộc mà người Cờ Lao ở nước ta có quan hệ tộc thuộc, thuộc hệ ngôn ngữ Hán - Tạng. Bất luận là họ thuộc nhóm nào đi nữa thì cũng có một thực tế không thể phủ nhận là do sinh sống phân tán, ngôn ngữ của các nhóm Cờ Lao ở nước ta, cũng như Ngật Lão ở Trung Quốc, đã hình thành những phương ngôn rất phức tạp. Do sinh sống gần gũi với nhau từ lâu, tiếng nói của các nhóm Cờ Lao Trắng và Cờ Lao Xanh ở Đồng Văn, Mèo Vạc đã hòa vào nhau. Trái lại, người Cờ Lao Đỏ ở Hoàng Su Phì có thổ ngữ riêng và việc giao tiếp với các nhóm khác gặp rất nhiều khó khăn. Việc nghiên cứu ngôn ngữ Cờ Lao cho đến nay vẫn chưa được các nhà chuyên môn quan tâm đúng mức. Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay giao tiếp đa ngữ là hiện tượng phổ biến ở người Cờ Lao đều có thể nói được tiếng Mông, tiếng Nùng hoặc tiếng Quan Hỏa và coi đó là ngôn ngữ giao tiếp xã hội. Từ sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, con em người Cờ Lao được cắp sách đến trường học tiếng phổ thông, học chữ quốc ngữ. Vì thế, họ đã có thêm một công cụ giao tiếp mới.

         Cờ Lao là dân tộc yêu văn nghệ và có một vốn văn nghệ dân gian đa dạng về loại hình. Kho tàng văn học truyền miệng của họ khá phong phú với các thể loại như truyện thần kỳ, cổ tích, ngụ ngôn, tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca. Một số mô tuýp chuyện kể của họ có các đặc điểm chung của nhiều dân tộc miền Bắc (như truyện “Quả bầu tiên” hay truyện về “Bốn chàng khổng lồ”,…) nhưng cũng phản ảnh khá rõ quan điểm của bản tộc về thế giới và nhân sinh. Các câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn thường phân tuyến thiện/ác, chính/tà rõ ràng và luôn thể hiện nỗi khát khao công bằng xã hội. Theo họ, cuộc sống hạnh phúc phải được dành cho những người lao động chân chính với tấm lòng bao dung rộng mở. Chính vì thế, họ tâm niệm rằng, cái chân - thiện - mỹ bao giờ cũng giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc  đấu tranh không khoan nhượng chống lại các giả trá, ác độc, xấu xa. Lối nói “vần mồm” (thành ngữ) của người Cờ Lao là sự biểu đạt một cách ngắn gọn nhất những triết lý sống và có tác dụng không nhỏ trong việc giáo dục cộng đồng.

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 462
  • Trong tuần: 6 560
  • Tất cả: 724444

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay