Nhà cổ Mèo Vạc
02/11/2021
Nhà cổ Mèo Vạc có tên thường gọi là “Nhà cổ Chúng Pủa” (Auberge de Meo Vac) nằm trong thung lũng Mèo Vạc. Chúng Pủa là tên cũ của làng người Mông trắng đã định cư ở thị trấn Mèo Vạc từ khoảng 300 năm trở lại đây.
|
|
Theo người già kể lại, trước đây người dân làng Chúng Pủa đều ở trong những ngôi nhà cổ mang kiến trúc truyền thống của dân tộc Mông. Theo dòng thời gian những ngôi nhà truyền thống được thay thế dần bằng các ngôi nhà hiện đại. Hiện tại chỉ còn lại 2 ngôi nhà cổ có tuổi trên trăm năm. Cũng giống như những ngôi nhà truyền thống khác của người Mông, “nhà cổ Chúng Pủa” là một tổ hợp kiến trúc hoàn chỉnh. Bao quanh khuôn viên nhà là hàng rào đá, chính giữa là sân trời lát đá tảng. Nhà ba gian có gác, tường trình bằng đất, mái lợp ngói máng âm dương, cửa gỗ thấp. Sàn gác và cầu thang làm bằng gỗ sa mộc và pơmu. Hai bệ đá ngoài trụ cổng tạc chim phượng hoàng vờn hoa mẫu đơn, lợn nái bên bụi khoai môn, rồng ngậm ngọc, lân múa… Những tảng đá kê chân cột được khắc chạm hình cánh sen, dây cúc, chữ thọ… rất tỷ mỉ và đẹp. Kiểu kiến trúc này rất thích nghi với điều kiện khí hậu và thời tiết vô cùng khắc nghiệt ở Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời phù hợp với phong tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Nhà cổ Mèo Vạc trước đây thuộc về gia tộc ông Vàng Mí Sì, hiện đã chuyển quyền sở hữu. Ngôi nhà đã được phục dựng, tôn tạo, lưu giữ kiến trúc và văn hóa truyền thống của dân tộc Mông và khai thác du lịch cộng đồng (homestay) từ năm 2013. Du khách đến đây không chỉ nghỉ ngơi sau những chuyến du lịch dài ngày, thưởng ngoạn cảnh vật độc đáo mà còn được tìm hiểu về kiến trúc và văn hóa bản địa riêng có ở Mèo Vạc. Cách đó chỉ khoảng hơn một trăm mét, du khách đồng thời cũng có thể tham quan cả ngôi nhà cổ thứ hai, cũng đã được phục dựng, tôn tạo, nhưng đồng thời còn được trang bị thêm một số phòng ốc hiện đại ở trong cùng khuôn viên.
BQL Công viên địa chất