Giá trị đa dạng sinh học trên CVĐC TC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn
Các nhà khoa học đã
phát hiện được nhiều loại thực vật quý hiếm như cá thể dẻ tùng sọc nâu, thông
tre lá ngắn, hoàng đàn rủ và thông đỏ, trong đó đáng chú ý là cây thông đỏ có
đường kính tới 70cm tại xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn. Đây được xem là cây
thông đỏ có đường kính lớn nhất, sống lâu năm nhất ở miền Bắc, Việt Nam tính
đến thời điểm này. Năm 2005, các nhà
khoa học đã phát hiện thêm ở khu vực này hai loài thực vật quý hiếm là cây bảy lá một hoa và cây đỉnh tùng, nâng tổng số các loài thực
vật quý hiếm lần đầu tiên được tìm thấy ở Thài Phìn Tủng lên sáu loài.
Loài cây này có khu phân bố tương đối hẹp, nên đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và
được xếp ở cấp R - cấp hiếm. Cùng với cây bảy
lá một hoa, nhóm khảo sát còn phát hiện được một loài thực vật quý hiếm
thuộc ngành hạt trần là cây đỉnh tùng
hay còn gọi là phỉ ba mũi. Đỉnh tùng là cây gỗ nhỏ, cao khoảng 15m,
có cành mọc đối và xòe ngang, lá xếp thành hai dãy hình dải. Ở miền Bắc, đỉnh tùng có ở Hà Tây (Ba Vì), Thanh Hóa
(Lũng Văn), Cao Bằng (Nguyên Bình - Ca Thành). Đây là lần đầu tiên, đỉnh tùng được phát hiện ở Hà Giang. Đỉnh tùng là loại cây cổ còn sót lại,
được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, xếp ở cấp R. Hiện nay ở Thài Phìn Tủng mới phát
hiện được duy nhất một cá thể.
Hoa
tam giác mạch trên CVĐC
Bên
cạnh hệ thực vật phong phú, Cao nguyên đá Đồng Văn còn có các giá trị về nguồn
gen động vật nuôi bản địa như: chó, lợn, bò, dê, gà đen... và các loại động vật
hoang dã có tầm quan trọng đặc biệt về giá trị khoa học và bảo tồn, đó là nguồn
gen vô cùng quý của hệ động vật hoang dã không chỉ của Cao nguyên đá Đồng Văn,
Hà Giang mà còn cả đối với Việt Nam và thế giới.
Vooc mũi hếch trên vùng CVĐC (Ảnh: Khắc Quyết)
Công viên
địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, là nơi sinh sống của gần 300 loài
động vật có xương sống: 53 loài thú, 161 loài chim, 33 loài bò sát, 39 loài ếch
nhái. Trong đó, có 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát – ếch nhái là
những động vật quý, hiếm có giá trị kinh tế, khoa học được ghi trong Sách đỏ
Việt Nam (2007). Nhiều loài động vật tiêu biểu ở Cao nguyên đá, như Voọc, hoẵng, lợn
rừng, cầy hương, chồn, gà rừng, khướu, chim, bò
sát, ếch nhái, v.v. Thậm chí, có những loài thú lớn đã từng có ở đây, như gấu,
báo, v.v.
Phần
lớn các loài động vật hoang dã của khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn gắn liền với
các khu rừng thường xanh trong các khe núi đá, các hẻm, các thung lũng, trong
đó có các loài Sóc, Kỳ đà, Kỳ dông... Các loài thú linh trưởng, các loài dơi là
nguồn gen quý hiếm đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Bước đầu
xác định trên Cao nguyên đá Đồng Văn có 8 loài thú linh trưởng chiếm 33,3% số
loài linh trưởng ở Việt Nam (8/24) trong đó có loài Voọc mũi hếch là loài thú
đặc hữu ở vùng địa lý động vật Đông Bắc. Là một
trong 25 loài linh trưởng của thế giới có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi
toàn cầu. Ở Cao Nguyên đá, loài này chỉ thấy ở Vườn Quốc gia Du Già - Cao
nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với khoảng hơn 100 cá thể. Loài rất nguy cấp, số lượng quần thể giảm mạnh do nơi cư trú bị
xâm hại, rừng bị chặt phá và thu hẹp, săn bắt. Ngoài ra, nhiều loài bò sát, ếch
nhái phân bố hẹp, đặc hữu của Cao nguyên đá, như Ếch cây du boi (hình ảnh), Ếch
Ang, tắc kè Chân vịt, ếch Ba na, ếch Cây Mianma, ếch Gai, ếch Gai beulender,
ếch Gai sần, cá cóc Richler, rùa Hạnh nhân…
Cao
nguyên đá Đồng Văn với địa hình núi đá vôi đa dạng, nhiều hang hốc kín đáo,
nhiều hệ sinh thái rừng… là nơi trú ẩn thích hợp cho các loài động vật trong
điêu kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Voọc mũi hếch (Ảnh: Khắc Quyết)
Ngọc lan (Nguồn: FFI)
Vương Vĩnh Thái
BQL CVĐC TC CNĐ Đồng Văn